Gia Lai: Giết người khi đi đòi nợ, nhóm côn đồ lãnh án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 2 ngày 19 và 20-1, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đưa ra xét xử sơ thẩm nhóm bị cáo đã nổ súng đe dọa và đánh đập khiến nạn nhân tử vong.
Theo đó, 7 bị cáo gồm: Đỗ Ngọc Lắm (tên thường gọi Tý Má, SN 1985, trú tại tổ 6, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) bị tuyên án 25 năm tù, Lầu Thái Bảo Khoa (SN 1985, trú tại tổ 16, phường Hội Thương, TP. Pleiku) 23 năm 6 tháng tù cùng về 3 tội “Giết người”, “Bắt, giữ người trái pháp luật”, “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”; các bị cáo Phạm Văn Thành (SN 1983, trú tại tổ 6, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) bị tuyên án 21 năm 6 tháng tù, Trương Thái Đức (SN 1996, trú tại tổ 17, phường Yên Thế, TP. Pleiku) 18 năm 6 tháng tù, Đinh Văn Phi (SN 1989, trú tại tổ 1, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) 19 năm 6 tháng tù cùng về 2 tội “Giết người” và “Bắt, giữ người trái pháp luật”; các bị cáo Lê Đức Huy (SN 1989, trú tại tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) và Châu Văn Phong (SN 1992, trú tại tổ 13, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) mỗi bị cáo 1 năm tù cùng về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”.
Theo hồ sơ vụ án, 2 người cháu của ông Phước nợ 120 triệu đồng tiền đá gà của đối tượng Lắm. Ông Phước vốn có mối quan hệ quen biết với Lắm nên đã đứng ra nhận nợ thay cho cháu. Lắm yêu cầu ông Phước phải trả thêm 15 triệu đồng tiền lãi trong 1 tháng vay mượn nhưng vì khó khăn nên ông Phước chưa có khả năng trả nợ thay.
Nhóm đối tượng đã phải trả giá cho hành vi côn đồ. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Nhóm đối tượng đã phải trả giá cho hành vi côn đồ. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Chiều 9-1-2019, nhóm của Lắm gọi điện hỏi về số tiền trên thì ông Phước nói rằng chưa trả được. Lắm nhờ Thành đến Khu du lịch Về Nguồn lấy 1 khẩu súng hiệu RG88, 5 viên đạn cao su và 1 khẩu súng K54 có 3 viên đạn mang đến cho mình. Khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày, Lắm mang theo súng và lái xe ô tô bán tải BKS 81C-091.00 chở Khoa, Thành, Phi, Đức, Huy, Phong mang theo dao đến nhà ông Phước tại tổ 14 (phường Hội Phú, TP. Pleiku). Trên đường đi, Thành đưa khẩu súng K54 cho Khoa.
Thấy nhóm của Lắm đến, ông Phước ra mở cổng. Lắm và Khoa đi vào và yêu cầu ông Phước trả nợ. Phi và Đức mỗi người cầm 1 con dao cùng Thành đứng ở sân với mục đích không cho ai ra vào. Riêng Huy và Phong ngồi lại trên xe ô tô.
Do ông Phước chưa có tiền trả nên Lắm cầm khẩu súng hiệu RG88 đe dọa, còn Khoa cầm khẩu súng K54 bắn 1 phát chỉ thiên. Bực tức vì không lấy được tiền, Lắm xông vào đánh ông Phước; Khoa dùng tay đánh nhiều cái vào mặt, cầm súng K54 đánh vào đầu nạn nhân, còn Phi dùng tay đánh nhiều cái vào mặt, dùng cán dao đánh vào vai và yêu cầu ông Phước phải viết giấy nợ tiền.
Bị đánh, ông Phước bỏ chạy thì bị Đức và Thành đóng cổng không cho ra ngoài. Ông Phước đi vào nhà thì Lắm, Khoa, Phi tiếp tục đánh vào người. Lúc này, bà Lê Thị Châu (SN 1971, người sống chung như vợ chồng với ông Phước) đi về thấy chồng bị đánh nên vào can ngăn nhưng Đức chặn lại.
Sau đó, Lắm nói Đức ra quán tạp hóa gần đó mua một quyển vở và một cây bút để cho ông Phước viết giấy nợ. Sau khi đánh ông Phước khoảng 20 phút, Lắm yêu cầu ông Phước lên xe ô tô. Sợ bị đánh tiếp nên ông Phước buộc phải lên xe.
Lúc này, Huy điều khiển xe ô tô chở Lắm, Khoa, Thành, Phong, Phi, Đức và ông Phước vào bên trong khu vực Nghĩa trang TP. Pleiku thuộc phường Ia Kring rồi yêu cầu ông Phước xuống xe viết giấy nợ. Khi xuống xe, ông Phước bỏ chạy được khoảng 70 m thì bị vấp ngã xuống mương cạn bên lề đường.
Thấy vậy, nhóm của Lắm đuổi theo bắt được rồi khiêng lên xe ô tô chở đến xưởng gỗ ở thôn 1, xã Ia Kênh, TP. Pleiku. Tại đây, các đối tượng thấy nạn nhân có biểu hiện khó thở nên đã gọi điện cho taxi chở đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến rạng sáng ngày 10-1-2019, ông Phước tử vong vì chấn thương sọ não và vỡ rách gan.
Ngày 17-8-2020, vụ án đã được Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã tuyên trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hành vi cưỡng đoạt tài sản của Lắm; đồng thời làm rõ vai trò đồng phạm trong hành vi giết người của Phong và Huy vì ban đầu 2 đối tượng này chỉ bị truy tố về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”. Tuy nhiên, quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng xác định Lắm không có hành vi cưỡng đoạt tài sản và Phong, Huy cũng không có dấu hiệu của việc đồng phạm giết người.  
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.