Gia Lai đứng đầu khu vực Tây Nguyên về số ca tử vong do bệnh dại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 13-3, Đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Chi cục Thú y vùng V, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc tại UBND xã Chư Pơng (huyện Chư Sê) về công tác phòng-chống bệnh dại trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cho biết, 5 năm liền, huyện ghi nhận 8 ca tử vong do bệnh dại. Trong đó, ca tử vong do bệnh dại gần nhất xảy ra tại thôn Hố Lâm (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) vào ngày 7-3 vừa qua. Nguyên nhân do nạn nhân bị chó nuôi trong nhà cắn nhưng không tiêm vắc xin phòng dại. 3 tháng sau khi bị chó cắn, nạn nhân phát bệnh và tử vong. Ngoài ra, con chó trên còn cắn con trai nạn nhân là R.L, sau khi bị chó cắn, R.L cũng không tiêm vắc xin phòng dại.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Theo báo cáo của UBND xã Chư Pơng, số chó, mèo nuôi trên địa bàn xã được tiêm phòng dại rất thấp. Xã có 1.500 con chó nhưng chỉ được cấp 50 liều vắc xin dại tiêm cho chó, mèo. Trong khi đó, người dân còn chủ quan trong công tác phòng-chống bệnh dại; không tiêm phòng dại cho chó, mèo; tập quán nuôi thả rông; sau khi bị chó, mèo cắn không khai báo, không tiêm vắc xin phòng dại… là những khó khăn trong công tác phòng-chống bệnh dại hiện nay. Địa phương kiến nghị UBND huyện hỗ trợ vắc xin để tiêm cho đàn chó, mèo trên địa bàn xã.

Tại buổi làm việc, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đề nghị địa phương cần tăng cường công tác phòng-chống bệnh dại trên địa bàn; tăng cường truyền thông phòng-chống bệnh dại; khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ngành Thú y cần tăng cường quản lý đàn chó, mèo; tiêm phòng dại cho chó, mèo. Ngoài ra, địa phương cần bố trí kinh phí để tiêm phòng dại cho các đối tượng người nghèo, khó khăn nếu không may bị chó, mèo cắn. Đối với ngành Y tế cần quan tâm tập huấn về công tác phòng-chống bệnh dại; tăng cường công tác giám sát kịp thời phát hiện các trường hợp bị chó, mèo cắn để tuyên truyền, vận động đi tiêm vắc xin phòng dại kịp thời…

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ sau năm 1997 đến nay, tình hình bệnh dại đã xảy ra ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, bệnh dại xảy ra ở các mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Mỗi năm, số người mắc trung bình từ 3 đến 4 trường hợp, 100% ca mắc đều tử vong, dịch xảy ra quanh năm không kể mùa mưa hay mùa khô.

Giai đoạn 2015- 2022, Gia Lai ghi nhận 33 trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng năm 2022, Gia Lai ghi nhận 5 ca tử vong do bệnh dại và từ đầu năm 2023 đến nay ghi nhận 3 trường hợp tử vong. Gia Lai có số ca tử vong do bệnh dại thuộc tốp đầu cả nước và đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Đa phần các trường hợp tử vong sau khi bị chó cắn không đi tiêm phòng, có trường hợp bị chó cắn hơn 1 năm mới biểu hiện bệnh. Đặc biệt có trường hợp tiêm đầy đủ cả vắc xin và kháng huyết thanh nhưng vẫn lên cơn dại do vết cắn ở mặt, cổ, tay, đặc tính vết cắn sâu chảy máu nhiều, tiêm phòng muộn.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.