Gia Lai đối diện với nguy cơ hạn hán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu có những cơn mưa rải rác nhưng lượng mưa không lớn, phân bố không. Nhiều giếng nước đã cạn khô, mực nước các ao, hồ chứa, đập thủy lợi đang giảm dần... Nhiều hộ dân phải túc trực ngày đêm vét từng giọt nước để cứu cho cây trồng.

Mực nước đang xuống thấp

Để có nước tưới cho vườn cà phê hơn 1 ha của mình, ngay từ đầu mùa khô, anh Vũ Trọng Thành (thôn Tàu Lá, xã Ia Roong, huyện Chư Pưh) đã bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê người cảo lại giếng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giếng gần như đã cạn, không đủ để tưới, anh Thành phải đi thuê giếng của người khác để cứu vườn cà phê.

“Thời điểm này năm trước, giếng này vẫn còn nước để tưới. Tuy nhiên, đến nay, giếng đã cạn, chỉ đủ nước sinh hoạt chứ không tưới được. Để có nước tưới cho vườn cà phê của mình, tôi phải thuê giếng nước của người khác để tưới với giá 50.000-100.000 đồng/tiếng đồng hồ nhưng cũng không biết kéo dài được bao lâu.”-anh Thành cho biết.

Nông dân xã Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ, Ia Roong đang quay cuồng tìm nước tưới cho cây tiêu. Ảnh: Q.T
Nông dân xã Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ, Ia Roong đang tất bật tìm nước tưới cho vườn hồ tiêu. Ảnh: Q.T

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh (làng Tao Lá, xã Ia Roong) cũng cho biết: Hiện tại, giếng nước sâu 25 m của gia đình cũng bị khô. Gia đình chị phải bỏ ra 1,5 triệu đồng thuê giếng để tưới cho 3,5 sào cà phê của mình.

Tại hồ Bàu Nai (đội 5, thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông), có gần chục máy bơm đang dí sát đáy hồ chắt chiu từng giọt nước còn lại để tưới cho chè, cà phê, tiêu. Hiện mực nước tại đây đang xuống thấp, chỉ còn đọng ở những chỗ trũng và mương chính, còn lại đã bị trơ đáy.

Mực nước ở nhiều ao,hồ, đập trên địa bàn đang xuống ở mức thấp. Ảnh: Q.T
Mực nước ở nhiều ao, hồ, đập đang xuống ở mức thấp. Ảnh: Q.T

Anh Lê Văn Chiến (Đội 5, thôn Ia Mua) đào một góc hồ để trữ nước tưới cho 5 sào cà phê. “Hơn một tháng nay, mực nước hồ ngày càng xuống, giờ thì đã cạn. Để tưới cho 5 sao cà phê của gia đình, tôi phải mất tới 3 ngày 2 đêm. Nếu trong thời gian tới, trời không mưa thì không biết lấy nước ở đâu ra để tưới cho vườn cà phê của gia đình”-anh Chiến lo lắng.

Anh Lê Văn Chiến (Đội 5, thôn Ia Mua) cố gắng chắt chìu từng giọt nước để để cứu vườn cà phê của mình. Ảnh: Q.T
Anh Lê Văn Chiến (Đội 5, thôn Ia Mua) chắt chiu từng giọt nước để cứu vườn cà phê của mình. Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, cho biết: Trong tháng tư nếu tiếp tục nắng nóng kéo dài thì có khả năng sẽ gây hạn cục bộ. Tại một số vùng cao ở các xã Ia Le, Ia Blứ... người dân tưới 5-6 giờ rồi nghỉ để chờ nước ngầm chảy ra.

Tại huyện Chư Sê, một số cánh đồng lúa ở các xã phía Bắc của huyện  như Bờ Ngoong, Bar Maih… cũng bắt đầu xảy ra thiếu nước. Trong khi đó, nguồn nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày ở một số nơi đang thiếu hụt, người dân phải vừa tưới vừa chờ nước.

Cần nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm

Để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Theo ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT đã khuyến cáo người dân sử dụng giống lúa ngắn ngày, chịu hạn tốt; tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh để tăng khả năng hút nước của rễ...Giải pháp được cho là mấu chốt để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nước như hiện nay là đẩy mạnh áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, cụ thể là công nghệ tưới nước tiết kiệm, nhỏ giọt.

Cần nhân rộng mô hình áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, nhỏ giọt trên cây trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng. Ảnh: Q.T
Cần nhân rộng mô hình áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, nhỏ giọt trên cây trồng. Ảnh: Q.T

Theo đó, UBND tỉnh vừa ban hành “Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước cho một số cây trồng cạn chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”. Trong đó, kế hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có hơn 21.280 ha cây trồng sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, trong đó cà phê 7.550 ha, tiêu 3.790 ha. Hiện toàn tỉnh hiện có 4.720 ha cây trồng sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, trong đó, cà phê có 830 ha, tiêu có 650 ha.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp các địa phương cũng đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp nhằm tránh hạn. Đồng thời, khuyến cáo người dân tăng cường trồng cây che bóng, ủ gốc cho vườn tiêu, cà phê để giảm thiểu thất thoát hơi nước. Mở rộng, nạo vét ao hồ để tích trữ nước...

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) tuần tra kiểm soát rừng. Ảnh: Lê Nam

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng dịp Tết

(GLO)- Tết đến xuân về là dịp để mọi người người sum vầy, đoàn viên cùng người thân, gia đình. Song, với những người làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng thì ngày Tết họ lại càng phải tăng cường hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Người trồng hoa Tết thấp thỏm chờ giá tăng

Người trồng hoa Tết thấp thỏm chờ giá tăng

(GLO)- Nhờ gieo trồng đúng mùa và chăm sóc tỉ mỉ, những bông lay ơn, huệ, vạn thọ, cúc... đua nhau khoe sắc. Tuy nhiên, giá bán chỉ bằng một nửa so với mọi năm, các nhà vườn ở đây đang thấp thỏm mong chờ bán được giá cao những ngày sát Tết.

Gia đình ông Nguyễn Văn Vinh (làng Ia Sa) đã vươn lên làm giàu nhờ trồng mía. Ảnh: Đ.Y

Nông dân Hbông làm giàu từ cây mía

(GLO)- 7 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Hbông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã vươn lên làm giàu từ cây mía. Trong đó, nhiều hộ trồng mía có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.