Gia Lai: Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 dự kiến hoàn thành sớm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ mới hơn nửa tháng kể từ ngày ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 nhưng kết quả đạt được rất ấn tượng với tỷ lệ hộ hoàn thành toàn tỉnh trên 71,7% (tương đương 15.896 hộ hoàn thành) so với kế hoạch.

Hơn 320 điều tra viên, giám sát viên được huy động làm nhiệm vụ thu thập thông tin tại 219/220 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo tiến độ của cuộc điều tra.

Ra quân, tổng lực điều tra

Gia Lai: Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 dự kiến hoàn thành sớm ảnh 1

Các điều tra viên và giám sát viên của Chi cục Thống kê khu vực Mang Yang-Đak Đoa tiến hành thu thập thông tin tại các hộ dân trên địa bàn. Ảnh: Minh Phương

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 là cuộc điều tra mẫu được thực hiện giữa 2 cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và năm 2029, diễn ra tại gần 40 ngàn địa bàn trong tổng số hơn 200 ngàn địa bàn trên phạm vi cả nước.

Tại Gia Lai, hoạt động điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 có 537 địa bàn với 16.110 hộ phiếu ngắn; 202 địa bàn với 6.060 hộ phiếu dài. Đối tượng điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ là các hộ dân cư, nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư, không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 15 896/22.170 hộ hoàn thành phiếu điều tra, đạt 71,7%.

Theo ông Lê Hữu Nhẫn-Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Ia Pa: Đợt điều tra này, huyện có 34 địa bàn với 1.020 hộ điều tra tại 9 xã, thị trấn của huyện. Ngày từ ngày đầu ra quân, 15 điều tra viên và 3 giám sát viên đã lan tỏa khắp địa bàn để tiến hành thu thập thông tin.

Tính đến thời điểm này, địa phương đã hoàn thành việc thu thập thông tin đối với 921 hộ, tỷ lệ hộ hoàn thành đạt 90,29 %, cao nhất so với các huyện, thành phố của tỉnh.

Ông Nhẫn cho biết, kết quả này có được là nhờ đơn vị thường xuyên đôn đốc, theo dõi diễn biến kết quả thực hiện, địa bàn nào đạt thấp thì yêu cầu giám sát viên tập trung thu thập thông tin ở nơi đó.

“Tuy địa bàn rộng với phần lớn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên lao động vắng nhà nhưng chúng tôi đã linh động trưng tập lực lượng tại chỗ (bí thư chi bộ, trưởng thôn) tham gia cùng lực lượng điều tra viên, cộng tác viên có kinh nghiệm, nắm chắc địa bàn nên kết quả thu thập thông tin điều tra đạt kết quả cao. Chúng tôi phấn đầu đến hết ngày 20-4 sẽ hoàn thành toàn bộ số hộ điều tra còn lại để kịp thời chỉnh sửa, xử lý và tổng hợp kết quả điều tra”-ông Nhẫn nêu giải pháp.

Điều tra viên Chi cục Thống kê huyện Krông Pa tổ chức thu thập thông tin của hộ dân được chọn điều tra tại địa bàn buôn Ma Leo (xã Đất Bằng). Ảnh: Minh Phương

Điều tra viên Chi cục Thống kê huyện Krông Pa tổ chức thu thập thông tin của hộ dân được chọn điều tra tại địa bàn buôn Ma Leo (xã Đất Bằng). Ảnh: Minh Phương

Trong khi đó, công tác thu thập thông tin tại 42 địa bàn của 14 xã, thị trấn thuộc huyện Krông Pa cũng được 17 điều tra viên, 4 giám sát viên Chi cục Thống kê huyện tích cực thu thập đối với 1.260 hộ.

Ông Lê Bá Tín-Phó Chi cục trưởng phụ trách cho biết: Địa bàn có đến 70% đồng bào dân tộc thiểu số, lại đang vào mùa rẫy nên họ thường xuyên vắng nhà. Do vậy, đơn vị đã quán triệt với các điều tra viên thực hiện việc thu thập thông tin vào thời điểm từ 5 giờ chiều đến 8 giờ 30 tối.

Mặt khác, điều tra viên phải phối hợp tích cực với cán bộ thôn cố gắng thu thập thông tin về các hộ nhiều nhất có thể, không để dây dưa, kéo dài. “Bình quân 1 địa bàn 30 hộ thì các điều tra viên mất khoảng 5 ngày là hoàn thành việc thu thập thông tin các hộ được chọn điều tra và hoàn thành các phiếu điện tử. Vì vậy, nếu đi vào giờ hành chính là không gặp được người dân nên phần lớn điều tra viên đều thực hiện việc thu thập thông tin vào buổi chiều và tối”-ông Tín thông tin.

Vượt khó, đẩy nhanh tiến độ

Điều tra dân số giữa kỳ 2024 áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp nên các điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động thông minh. Để đảm bảo thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cần sự phối hợp của mỗi người dân, hộ gia đình.

Điều tra viên Chi cục Thống kê huyện Chư Prông tiến hành thu thập thông tin tại hộ được chọn điều tra ở làng Phung (xã Ia Piơr). Ảnh: Minh Phương
Điều tra viên Chi cục Thống kê huyện Chư Prông tiến hành thu thập thông tin tại hộ được chọn điều tra ở làng Phung (xã Ia Piơr). Ảnh: Minh Phương

Là hộ được chọn điều tra, ông Phan Thanh Hải (tổ 5, thị trấn Đak Đoa) khẳng định: “Cung cấp thông tin đầy đủ về điều tra dân số là quyền, nghĩa vụ của công dân. Trách nhiệm của mình là hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác theo các nội dung quy định nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thành việc điều tra”.

Mục đích của việc điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 nhằm thu thập thông tin làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2021-2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2026-2030; giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020-2024; cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở phục vụ nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa 2 kỳ tổng điều tra trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

Theo kế hoạch, thời gian thu thập thông tin điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được tiến hành từ 0 giờ ngày 1-4 đến 30-4-2024. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Đak Đoa có nhiều hộ dân đi làm ăn xa, làm nương rẫy cả ngày nên điều tra viên thực hiện điều tra phải đi lại nhiều lần hoặc phải thực hiện phỏng vấn hộ vào buổi tối.

Ông Huỳnh Siểm-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết, nhằm đảm bảo tiến độ thu thập thông tin điều tra, huyện đã đề nghị Chi cục thống kê khu vực Mang Yang-Đak Đoa thực hiện giám sát chặt chẽ, hướng dẫn điều tra viên xử lý kịp thời khi có vướng mắc xảy ra. Cùng với đó, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất để cuộc điều tra trên địa bàn đạt kết quả cao nhất.

Trao đổi với P.V, ông Trần Quang Minh-Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Gia Lai cho biết: Gia Lai đang mùa nắng nóng, hơn nữa ảnh hưởng vụ mùa, bà con đi làm ăn nên điều tra viên khai thác, thu thập thông tin khó khăn.

Điều quan trọng là người dân hiểu được mục đích ý nghĩa của việc điều tra nên đồng thuận phối hợp, cung cấp thông tin cởi mở khi điều tra viên đến khai thác thông tin tại hộ.

Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh nhấn mạnh: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra giúp công tác thu thập thông tin của các điều tra viên được thuận lợi, nhanh hơn so với điều tra bằng phiếu giấy; đồng thời dễ dàng kiểm tra lỗi của phiếu điều tra, vừa theo dõi được tiến độ điều tra kịp thời và chính xác”.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.