(GLO)- Chiều 21-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo các huyện: Đak Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Mang Yang và TP. Pleiku để triển khai khẩn cấp một số công tác phòng-chống dịch.
Tham dự cuộc họp tại điểm cầu UBND tỉnh có lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.
Dịch diễn biến phức tạp
Thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Gia Lai-cho biết: Tính từ ngày 26-4-2021 đến 14 giờ ngày 21-11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.840 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; đã có 6 ca tử vong. Riêng số trường hợp đi từ vùng dịch về từ ngày 1-10 đến ngày 21-11 phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 là 1.363 ca (1.230 ca dương tính mới và 133 ca tái dương tính). Hiện có 1.055 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang điều trị.
Dịch bệnh hiện diễn biến phức tạp, nhất là tại xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa). Từ ngày 18-11 đến sáng 21-11, xã Hà Bầu đã ghi nhận 169 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 7/8 thôn, làng. Ổ dịch tại xã Hà Bầu là lớn nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay, nguồn lây từ làng Kép (phường Đống Đa, TP. Pleiku) và có thể đã qua 4 chu kỳ lây nhiễm, có liên quan đến sinh hoạt tôn giáo và theo giai đoạn mùa vụ bà con đang thu hoạch và tổ chức lễ hội cúng lúa mới. Liên quan đến ổ dịch xã Hà Bầu, từ ngày 18-11 đến ngày 21-11 đã ghi nhận 191 ca mắc tại các huyện Chư Păh (4 ca), huyện Đak Đoa (177 ca), TP. Pleiku (10 ca). Người mắc chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Qua công tác kiểm tra thực tế tại huyện Đak Đoa, Ban Chỉ đạo tỉnh đã phát hiện nhiều điểm hạn chế trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại địa phương.
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại xã Hà Bầu, Ban Chỉ đạo huyện đã chỉ đạo khoanh vùng toàn bộ xã Hà Bầu và tại các địa điểm dịch tễ liên quan. Mặc dù đã có xây dựng kế hoạch, phương án phòng-chống dịch nhưng khi triển khai trên thực tế lại có sự lúng túng. Sau khi được hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tỉnh, địa phương đã có sự điều chỉnh và triển khai các biện pháp phù hợp. Hiện địa phương đang tiếp tục triển khai lấy mẫu tầm soát diện rộng cho người dân xã Hà Bầu sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, đồng thời thành lập và đưa vào hoạt động Trạm Y tế lưu động.
Về công tác phòng-chống dịch tại TP. Pleiku, ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-thông tin: Từ ngày 25-10-2021 đến 20-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 442/537 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Nhiều ca bệnh trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Đáng lưu ý có một số chùm ca bệnh tại các làng trên địa bàn như sau: Chùm ca bệnh tại làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ), phát hiện ngày 25-10-2021 đến nay có 87 ca. Chùm ca bệnh tại làng Ốp (phường Hoa Lư), phát hiện từ ngày 4-11 đến nay có 81 ca. Chùm ca bệnh tại làng Kép (phường Đống Đa), phát hiện từ ngày 5-11 đến nay có 10 ca và chùm ca bệnh tại làng Tiêng 1, Tiêng 2 (xã Tân Sơn), phát hiện từ ngày 20-11 đến nay là 10 ca. Hiện, thành phố đang phong tỏa tạm thời các làng: Pleiku Roh, Ốp, Tiêng 1, Tiêng 2 và một số địa điểm nhỏ lẻ khác.
Theo Chủ tịch UBND TP. Pleiku, tình hình dịch phức tạp, trong khi đó, một bộ phận người dân ý thức không cao, chủ quan; lực lượng y tế và công an mỏng. Theo đó, đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm lực lượng cho thành phố để tăng cường công tác truy vết, rà soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cách ly F1, F2 nhanh theo quy định để cắt các nguồn lây. Tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện 5K, hầu hết điều kiện cách ly tại nhà không đảm bảo nên việc các F0 sau điều trị về cách ly tại nhà theo quy định sẽ khó thực hiện. Đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho thành phố có khu cách ly riêng để cách ly các trường hợp trên và hỗ trợ kinh phí cho việc triển khai thực hiện.
Khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng-chống
Tại cuộc họp, các đại biểu, lãnh đạo các huyện Đak Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Mang Yang và TP. Pleiku đã báo cáo tình hình dịch và có các kiến nghị, đề xuất với Ban Chỉ đạo tỉnh trong công tác phòng-chống dịch. Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Đợt dịch này phức tạp, lan rộng, chu kỳ lây nhiễm kéo dài, liên quan nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ F0 trong làng cao, hiện vẫn chưa kiểm soát được. Ngoài ổ dịch trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay tỉnh ghi nhận ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng, gia tăng các ca tái dương tính, mô hình bệnh tật đa dạng… gây nhiều khó khăn trong công tác phòng-chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các địa phương cần nghiên cứu, quán triệt triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh; trong đó, nghiên cứu kỹ Chỉ thị số 13/CT-UBND của UBND tỉnh về tiếp tục triển khai cấp bách công tác phòng-chống dịch gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và có kế hoạch thực hiện. Cùng với đó, nghiên cứu Quyết định số 745/QĐ-UBND về phương án triển khai các biện pháp tạm thời để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từ đó đánh giá đúng cấp độ dịch trên địa bàn và triển khai các biện pháp phòng-chống dịch phù hợp. Đối với công tác lãnh đạo, điều hành trong phòng-chống dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu các địa phương cần có sự phân công, phân nhiệm, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa). Ảnh: Như Nguyện |
Liên quan đến các ổ dịch hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu huyện Đak Đoa cần xác định Hà Bầu là điểm nóng, phong tỏa cả xã Hà Bầu; đồng thời đánh giá các xã có liên quan. Đối với TP. Pleiku, cần đánh giá lại xã Tân Sơn; huyện Chư Păh đánh giá lại xã Chư Đang Ya và huyện Mang Yang cần đánh giá kỹ các yếu tố liên quan ổ dịch tại xã Hà Bầu. Mục tiêu hiện nay của tỉnh là giảm số mắc, vì vậy cần khẩn trương khoanh vùng, truy vết, phong tỏa ngăn chặn sự lây lan và triển khai xét nghiệm trọng điểm. Trong đó, đối với vùng đỏ xét nghiệm bằng phương pháp Real time-PCR, vùng cam, vàng thực hiện sàng lọc test nhanh. Đối với các Trạm y tế cần tổ chức test nhanh cho những người có chỉ điểm về hô hấp. Riêng huyện Ia Grai, một số ổ dịch có liên quan đến học sinh; vì vậy địa phương cần tiếp tục khẩn trương rà soát, khoanh vùng, truy vết lấy mẫu xét nghiệm nhanh, lên phương án để sử dụng test nhanh hiệu quả. Bên cạnh các ổ dịch, các địa phương cũng cần thực hiện xét nghiệm định kỳ tại những địa điểm nguy cơ, nơi tập trung đông người.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch lưu ý tại các chốt phong tỏa phòng-chống dịch cần bố trí phun khử khuẩn; các khu phong tỏa cần có phương án đảm bảo về y tế, thành lập Trạm Y tế lưu động và hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy trình. Ngoài ra, các địa phương cần có phương án an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu phong tỏa và đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để cùng phối hợp trong phòng-chống dịch.
Đối với việc tiêm vắc xin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các địa phương cần tập trung khẩn trương tiêm vắc xin nhanh, đặc biệt là tại các địa phương đang có dịch để tạo miễn dịch cộng đồng phòng-chống dịch hiệu quả, đồng thời làm tốt công tác nhập liệu trong tiêm vắc xin theo quy định. Tình hình dịch hiện nay diễn biến hết sức phức tạp; vì vậy, Sở Y tế cần lên phương án cho tình huống cao, để khi tình huống này xảy ra thì triển khai thực hiện ngay, không bị động lúng túng.
NHƯ NGUYỆN