Gia Lai đề xuất giải pháp thu hút các dự án trọng điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hội thảo “Xác định các dự án trọng điểm và các nhà đầu tư mục tiêu cần thu hút đối với các dự án trọng điểm trong từng ngành kinh tế Gia Lai” do UBND tỉnh phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức sáng 26-5 đã trở thành diễn đàn để các nhà nghiên cứu đề xuất phương án giúp tỉnh cải thiện môi trường đầu tư; xác định dự án trọng điểm và nhà đầu tư mục tiêu trong từng ngành kinh tế.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; nhóm thực hiện các đề tài; các nhà quản lý, đại diện tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Mục tiêu của hội thảo là định hướng giải pháp để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời chia sẻ thông tin, các công trình nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn về môi trường đầu tư và kinh doanh của Gia Lai vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

 

Lãnh đạo tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Ảnh: Đ.T
Lãnh đạo tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Ảnh: Đ.T

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Qua theo dõi và phân tích, Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh đánh giá: Trước kia, Gia Lai không phải là địa phương có thành tựu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số này thường được xếp vào nhóm trung bình. Tuy nhiên, từ giai đoạn 2006-2017, chỉ số PCI của tỉnh dần được cải thiện và đặc biệt là liên tục lên hạng kể từ sau năm 2013. Năm 2017, Gia Lai đứng vị trí 43 trên cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2016. Quan sát từ các chỉ tiêu thành phần, có thể thấy, Gia Lai có điểm số cao nhất ở chỉ số thành phần về “Gia nhập thị trường”, có tiến bộ rõ nét đối với các chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp cận đất đai và tính minh bạch”. Tuy nhiên, so với các tỉnh thành khác trong cả nước thì chỉ số thành phần “Gia nhập thị trường” của Gia Lai vẫn kém nhất trong 10 chỉ số.

Theo ThS. Vũ Ngọc Anh-Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh), để tạo động lực tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư cũng như tăng tương tác giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn, Gia Lai cần chú trọng hoạt động của các cơ quan tư pháp, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm tra định kỳ bảo đảm mọi khiếu nại của doanh nghiệp đều được giải quyết; cần mạnh tay xử lý vi phạm, quyết tâm trong sạch hóa đội ngũ cán bộ; thúc đẩy hoàn thiện chương trình một cửa hiện đại để nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính.

Trong khi đó, TS. Phùng Minh Tuấn (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho rằng, tỉnh Gia Lai cần nhìn nhận một sự thật là chỉ số quản trị hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh đang ở nhóm 4, nhóm có chỉ số thấp. Đây là tấm gương phản chiếu hiệu quả của bộ máy công quyền trong quản trị và hành chính công ở những lĩnh vực người dân quan tâm và tương tác thường xuyên nhất với chính quyền địa phương. Do đó, để nâng cao chỉ số PAPI, tăng khả năng thu hút đầu tư, Gia Lai cần quản lý hành chính công một cách hiệu quả hơn. Theo đó, TS. Phùng Minh Tuấn đề xuất giải pháp tăng cường truyền thông liên quan đến cá nhân, nhất là việc đưa các nội dung chính sách lên mạng xã hội mà một số tỉnh khác đang làm rất hiệu quả, giúp người dân dễ dàng tiếp cận. “Hiện nay, thông tin tiêu cực rất nhiều mà truyền thông chính thức của chúng ta còn hạn chế, điều này sẽ khiến người dân suy nghĩ lệch lạc về các chính sách, gây ảnh hưởng đến việc đánh giá đối với chỉ số PAPI. Do vậy, phải làm thế nào để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin hàng ngày về các hoạt động của chính quyền địa phương, tiếp cận các thủ tục hành chính đang trực tiếp tác động đến người dân, doanh nghiệp”-TS. Tuấn nêu giải pháp.

Để tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Quyết tâm của tỉnh là phấn đấu cải thiện điểm các chỉ số thành phần để được xếp vào nhóm khá so với cả nước, thông qua chỉ số PCI làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư. Nhiều giải pháp đã được xây dựng nhằm chuyển đổi nhận thức và hành động từ “quản lý doanh nghiệp” sang “đồng hành cùng doanh nghiệp”; đồng thời thực hiện phương châm “Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”. “Tỉnh sẽ chú trọng việc xây dựng phong cách phục vụ của bộ máy chính quyền các cấp đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp và công dân theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp; tạo thuận lợi tối đa và chuyển dần sang cơ chế ưu tiên phục vụ doanh nghiệp”-ông Hồ Phước Thành cho biết.

Đề xuất các dự án trọng điểm

 

Siêu thị Co.op Mart Pleiku-một trong những dự án thành công được doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đầu tư tại Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Siêu thị Co.op Mart Pleiku-một trong những dự án thành công được doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đầu tư tại Gia Lai. Ảnh: Đ.T

Tại hội thảo, nhiều đề tài đã được các nhà quản lý, nhà nghiên cứu phân tích, đánh giá và có ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết để bổ sung, hoàn chỉnh như: các dự án trọng điểm, các nhà đầu tư mục tiêu trong ngành công nghiệp chế biến tinh và sâu của tỉnh Gia Lai; dự án nông nghiệp trọng điểm-khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; các dự án trọng điểm trong kêu gọi đầu tư ngành du lịch-sinh thái-nghỉ dưỡng của Gia Lai; dự án trồng rừng nguyên liệu-tập trung phát triển rừng gỗ lớn của địa phương…  PGS-TS Phạm Viết Hồng (Trường Đại học Sài Gòn) cho rằng: Tiềm năng về đất đai và khí hậu của Gia Lai rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và việc thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh hiện nay. “Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vừa giúp sản phẩm nông nghiệp của địa phương có được thương hiệu trên thị trường, vừa tạo được môi trường thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp”-PGS-TS Phạm Viết Hồng khẳng định.

Một nhóm tác giả khác của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã nêu ra những phương án thu hút nhà đầu tư tập trung vào chế biến sản phẩm hồ tiêu và cao su. Đặc biệt, đề tài này còn khẳng định thổ nhưỡng Gia Lai rất phù hợp với việc trồng và chế biến cây dược liệu. Dự án được xem là đầy tiềm năng để phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu, từ đó hình thành chuỗi giá trị đem lại lợi ích kinh tế cao. “Trong quá trình hội nhập, nếu chỉ xuất khẩu sản phẩm tinh thì giá trị gia tăng sẽ không cao và không kích thích được sản xuất. Do vậy, cần chuyển từ chế biến tinh sang chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. Muốn làm được điều này, cần xác định dự án trọng điểm và tìm ra các nhà đầu tư thật sự gắn bó với Gia Lai”-ThS. Lê Đức Nhã (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại Tôn Đức Thắng) tư vấn.

Một trong những vấn đề mà tỉnh cũng như các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư quan tâm tại hội thảo lần này là tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Du lịch Gia Lai hiện nay tuy khá phong phú về tiềm năng nhưng lại thiếu các sản phẩm đặc trưng, đồng thời hiệu quả từ các sản phẩm du lịch cũng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Chính vì vậy, việc tìm kiếm nhà đầu tư cho du lịch vẫn đang còn bỏ ngỏ. “Gia Lai cần biết cái gì là trọng điểm cho du lịch của tỉnh, các sản phẩm du lịch cần có sự gắn kết, bổ sung cho nhau mới đủ hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Quá trình kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm cũng cần xác định được và kết nối với cơ sở hạ tầng sẵn có để kêu gọi doanh nghiệp xúc tiến xa hơn”-Nghiên cứu sinh Phạm Thái Ngọc (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng: “Tỉnh mong muốn nhận được những đóng góp chân thành, thẳng thắn của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp về tiềm năng, thế mạnh Gia Lai cũng như những đề xuất mang tính thực tiễn. Qua đó, Gia Lai sẽ có những định hướng đúng đắn trong tương lai, thu hút được nhiều dự án trọng điểm trong từng ngành kinh tế, đem lại hiệu quả thiết thực; đồng thời tỉnh cũng biết cần khai thác thế mạnh gì và cần làm gì để thu hút các nhà đầu tư thật sự”.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.