Gia Lai: Đề xuất chuyển 36,3 tỷ đồng sang mua máy tính để bàn cho các trường khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thực hiện phát động của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 36,3 tỷ đồng để mua hơn 14.000 máy tính bảng cho 14.000 học sinh nghèo. Trong đó, kinh phí cấp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo là 35 tỷ đồng, địa phương huy động 1,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến nay chương trình “Sóng và máy tính cho em” với số tiền 36,3 tỷ đồng tại Gia Lai vẫn chưa được thực hiện.

Học sinh trường Tiểu học Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Học sinh trường Tiểu học Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Khi phương án học trực tuyến kết thúc, việc mua máy tính bảng phục vụ học sinh nghèo vùng sâu, vùng khó khăn học trực tuyến không còn phù hợp. Điều này không chỉ gây thiệt thòi cho các em học sinh được thụ hưởng, mà ý nghĩa của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động cũng thiếu đi sự lan tỏa.

Trước thực tế này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, Lê Duy Định cho biết: Thực hiện kết luận của Chính phủ tại cuộc họp trong tháng 1 về việc giao Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển hướng đầu tư thiết bị, Sở đã có tờ trình gửi bên tài trợ là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Viettinbank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đề xuất ý kiến chuyển hướng sử dụng nguồn kinh phí trên. Theo đó, số tiền dự kiến sẽ được chuyển sang mua máy tính để bàn, trang bị cho các trường khó khăn để phục vụ môn tin học. Sau khi 2 ngân hàng cho ý kiến, Sở sẽ làm tờ trình báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đạo tạo triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, vào tháng 9/2021, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế- xã hội của cả nước. Với tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học,” phương án học trực tuyến được đưa ra để ứng phó với tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều khó khăn về trang thiết bị, sóng, cho học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa đã phát sinh. Để gỡ khó, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ học sinh nghèo học trực tuyến.

Tại Gia lai, trước sự chậm trễ triển khai chương trình, ngày 8/9/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu tỉnh khẩn trương triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, khẩn trương mua máy tính bảng bàn giao cho học sinh. Tuy nhiên, dự toán và phương án thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông về cấu hình máy tính bảng là 8 inch và giá 2,5 triệu đồng/máy (Cụ thể, máy tính bảng 8 inch, hãng sản xuất TPS, model K8, nhà sản xuất Shenzhen TPS Industry Technology, năm sản xuất 2021, xuất xứ Trung Quốc) đã không được Sở Tài chính Gia Lai thông qua.

Việc Sở Tài chính không thông qua các tờ trình mua sắm máy tính bảng là do chứng thư thẩm định giá không đảm bảo, yêu cầu phải cung cấp hồ sơ về các hợp đồng mua, bán tương tự và hóa đơn mua bán thiết bị hàng hóa chứng minh máy tính bảng với giá thẩm định 2,5 triệu đồng/máy. Những thủ tục này đã khiến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai gặp khó khăn, gây chậm trễ trong việc triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Vì vậy, đến nay số tiền 36,3 tỷ đồng vẫn đang “kẹt” trong Ngân hàng nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.