(GLO)- Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện trong xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, tuổi trẻ Gia Lai đã xây dựng nhiều “Đoạn đường thanh niên tự quản” trên địa bàn tỉnh. Mô hình này góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giữ cho đường thông, hè thoáng và vệ sinh môi trường.
“Tổ chức phát quang, dọn dẹp hành lang an toàn giao thông, có trách nhiệm thông tin, ứng cứu nhanh khi có tai nạn giao thông xảy ra trên đường; thực hiện tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên chấp hành nghiêm quy định pháp luật an toàn giao thông… Đó là những dấu ấn thiết thực của thanh niên tỉnh nhà trên những tuyến đường tự quản”- chị Đinh Thị Thu Tươi- Trưởng ban Thanh niên Công nhân- Nông thôn và Đô thị, Tỉnh đoàn Gia Lai) cho biết.
Các tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh đều đăng ký đảm nhận, tổ chức thực hiện mô hình “Đoạn đường thanh niên tự quản”. Ảnh: Trần Dung |
Hiện nay, các tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh đều đăng ký đảm nhận, tổ chức thực hiện mô hình “Đoạn đường thanh niên tự quản”. Tuyến đường đăng ký phải đảm bảo ít nhất 100m trở lên và phải là địa bàn đang có điểm nóng về môi trường, cảnh quan, an ninh trật tự… Đoàn viên, thanh niên sẽ tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, dọn dẹp vệ sinh, tuyên truyền…định kỳ 1-2 lần/tháng. Việc đăng ký xây dựng tuyến đường phải góp phần tham gia giải quyết những vấn đề tồn đọng, bức xúc của người dân trên địa bàn; vận động các nguồn lực xã hội hoá nhằm đảm bảo cho việc thành lập, duy trì các hoạt động duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trên tuyến đường đoàn thanh niên đảm nhận.
“Sau khi báo cáo cấp uỷ, đăng ký với Uỷ ban nhân dân xã để đảm nhận thực hiện, đoàn xã chúng tôi tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, vận động giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng đoạn đường xanh, sạch, đẹp; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên định kỳ làm vệ sinh môi trường, quét dọn rác thải, san lấp ổ gà, phát quang tầm nhìn, khơi thông rãnh nước, xử lý các điểm sạt lở… trên đoạn đường tự quản”- anh Nguyễn Văn Tuyên-Phó Bí thư Đoàn xã Tân Sơn (Tp.Pleiku) cho hay. Cũng giống như Đoàn xã Tân Sơn, nhiều tổ chức đoàn trên địa bàn tỉnh cũng tích cực triển khai mô hình đoạn đường tự quản như: tuyến đường Hàm Nghi (phường Cheo Reo) của thị đoàn Ayun Pa; tuyến đường Lê Lợi (thị trấn Chư Sê) của huyện đoàn Chư Sê; tuyến đường Wừu (TP.Pleiku) của thành đoàn Pleiku…Có thể nói, từ khi các tuyến đường được đoàn viên, thanh niên tham gia quản lý, tình hình vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt, việc tổ chức tổng vệ sinh khu vực nhà ở, đường sá, được phát động thường xuyên, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Ngoài việc thường xuyên kiểm tra, bảo vệ các hạng mục giao thông đường bộ như hệ thống cọc tiêu, biển báo, cột cây số… trên đoạn đường tự quản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và báo cơ quan chức năng các hư hỏng lớn, xử lý các hành vi xâm phạm đối với công trình đường bộ thì các tổ chức Đoàn còn tổ chức các hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” nhằm vận động đoàn viên, thanh niên và nhân dân tích cực xây dựng, giữ gìn cảnh quan đô thị xanh-sạch-đẹp; vận động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bê tông hoá, thắp sáng các tuyến đường, hẻm tại các khu dân cư đảm bảo hệ thống chiếu sáng và an toàn điện khu vực công cộng. Qua tuyên truyền cũng như những việc làm thiết thực của thanh niên, ý thức của người dân địa phương đã có những chuyển biến tích cực, khi đoàn xã tổ chức duy tu, bảo dưỡng đoạn đường tự quản, nhiều hộ dân đã tự giác cùng tham gia, vệ sinh khuôn viên nhà ở, đường làng, ngõ xóm… Người dân không còn vứt rác bừa bãi, dựng xe dưới lòng đường, cơi nới, lấn chiếm vỉa hè để buôn bán.
Tỉnh đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn tiếp tục nhân rộng mô hình. Ảnh: Trần Dung |
Chị Đinh Thị Thu Tươi- Trưởng ban Thanh niên Công nhân- Nông thôn và Đô thị, Tỉnh đoàn Gia Lai) cho biết thêm: “Từ hiệu quả “Đoạn đường thanh niên tự quản” mang lại, thời gian tới, Tỉnh đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn tiếp tục nhân rộng mô hình, duy trì thường xuyên hoạt động phát quang cỏ dại, làm vệ sinh, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, tránh tình trạng gắn biển theo kiểu phong trào, hình thức. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia để cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm...”.
Trần Dung