Gia Lai: Cứu sống bệnh nhân sốc sốt xuất huyết cực nặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 16-9, bác sĩ Kiều Văn Bước-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thông tin: Các bác sĩ của khoa vừa cứu bệnh nhân Bùi Thị Kim Thủy (SN 1977, trú tại thôn 7, xã An Phú, TP. Pleiku) thoát nguy cơ tử vong do bị sốc sốt xuất huyết cực nặng. Qua gần 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã dần hồi phục, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo đó, ngày 3-9, bệnh nhân Thủy nhập viện tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) do sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo ngày thứ 5 với các triệu chứng mệt, rối loạn điện giải, viêm phế quản. Ngày 5-9, bệnh nhân sốc nặng, suy hô hấp, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh… Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và chuyển bệnh nhân về Khoa Hồi sức tích cực chống độc tiến hành hồi sức chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tình hình bệnh không cải thiện, xét nghiệm cho thấy men tim cao, chẩn đoán sốc sốt xuất huyết biến chứng viêm cơ tim. Những trường hợp này bệnh nhân thường phải chạy tim phổi nhân tạo (Emo) nhưng bệnh nhân đã được thở máy nên điều trị theo hướng viêm cơ tim, dùng thuốc vận mạch, nâng huyết áp.
 Sau gần 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân Thủy đã bình phục, có thể xuất viện trong thời gian tới. Ảnh: N.N
Sau gần 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân Thủy đã bình phục, có thể xuất viện trong thời gian tới. Ảnh: N.N
Trong 3 ngày đầu điều trị, nhịp tim bệnh nhân vẫn nhanh, huyết áp thấp nhưng các bác sĩ vẫn nỗ lực điều trị tích cực. 3 ngày tiếp theo, bệnh nhân có hạ huyết áp, nhịp tim dần ổn định, hồi phục dần và đến nay đã hồi phục hoàn toàn, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Kiều Văn Bước cho biết: Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có lúc rơi vào tình trạng xấu, tiên lượng tử vong cao. Trường hợp này chuyển viện không an toàn, bệnh nhân có thể tử vong ngay trên đường đi hoặc trở nặng hơn nên các bác sĩ đã tích cực điều trị tại chỗ giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử.
Anh Đoàn Trung-người nhà bệnh nhân Thủy-chia sẻ: “Tình trạng vợ tôi hết sức nguy kịch, các bác sĩ thông báo không có hy vọng nhiều, gia đình cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý. Tuy vậy, các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa giúp vợ tôi vượt qua hiểm nghèo, gia đình vô cùng xúc động. Tôi xin gởi lời cảm ơn chân thành đến các y-bác sĩ bệnh viện”.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay, đã có gần 1.900 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám-chữa bệnh tại bệnh viện; trong đó, khám ngoại trú trên 400 ca, còn lại điều trị nội trú. Ngày cao điểm có đến trên 100 bệnh nhân cùng nằm viện điều trị sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm trước, bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao, nhiều ca diễn biến nặng, khó khăn trong công tác điều trị. Tuy nhiên, với nỗ lực chăm sóc bệnh nhân, từ đầu năm 2019 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không để xảy ra tử vong do sốt xuất huyết.
Tính đến ngày 15-9, toàn tỉnh đã ghi nhận 7.984 ca sốt xuất huyết, có 2 ca tử vong. Bệnh xảy ra tại 181/222 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế các huyện, thị xã, thành phố có số trường hợp mắc bệnh cao triển khai công tác phòng-chống sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát các trường hợp bệnh và triển khai các hoạt động phòng-chống theo quy định. Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy để phòng-chống sốt xuất huyết hiệu quả nhất.
Như Ý

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.