(GLO)- Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng sẽ đối mặt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, chính quyền các cấp và người dân trên địa bàn cần chủ động đề phòng, ứng phó với các hiện tượng nắng nóng, mưa giông, lốc xoáy… nhằm bảo vệ sức khỏe và tài sản.
Theo dự báo, đến cuối tháng 5 thì Gia Lai mới bước vào mùa mưa nhưng ở một số huyện như: Ia Grai, Đak Đoa đã xuất hiện mưa giông kèm lốc xoáy. Đặc biệt, trong tháng 4 vừa qua, tại huyện Ia Grai đã xảy ra 2 cơn mưa kèm theo gió lốc gây thiệt hại về nhà ở, cây trồng cùng nhiều công trình khác của 28 hộ dân xã Ia Sao và Ia Yok, tổng thiệt hại ước tính hơn 430 triệu đồng.
Lực lượng vũ trang luôn đi đầu trong việc giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: PHƯƠNG DUNG |
Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: Bên cạnh bố trí kinh phí kịp thời để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, UBND huyện cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án phòng-chống thiên tai; củng cố, kiện toàn các Ban chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Đồng thời, tập trung tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác trong ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan; tổ chức kiểm tra hệ thống các công trình thủy lợi, ao, hồ, đập trên địa bàn, khắc phục ngay những công trình không đảm bảo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo ông Nguyễn Văn Huấn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên), trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nắng nóng gay gắt. Đặc biệt, tại thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa và Đức Cơ, nhiệt độ cao nhất đo được trong ngày lên đến 39,8 độ C. Dự báo từ nay đến ngày 10-5, nắng nóng cục bộ tiếp tục diễn ra gay gắt ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, khu vực phía Nam, Tây Nam, Tây (gồm các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai) nhiệt độ cao nhất dao động 36-39 độ C; khu vực phía Đông (Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê) nhiệt độ cao nhất là 35-38 độ C; phía Đông Nam tỉnh (Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa) nhiệt độ cao nhất 37-40 độ C. Nhiệt độ càng cao thì số lượng tia cực tím (tia UV) cũng càng tăng cao, nhất là vào thời điểm trưa và chiều, gây hại đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Vì vậy, người dân cần lưu ý để có các biện pháp phòng-chống tia UV như: đeo khẩu trang, bao tay, bôi kem chống nắng...
Dự báo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Ảnh: N.Q |
Ông Huấn cũng khuyến cáo: Trong những đợt nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao, độ ẩm thấp thì khả năng xảy ra các dạng thời tiết cực đoan là rất cao. Dù ban ngày trời nắng nóng gay gắt nhưng vào chiều tối khả năng xảy ra mưa giông, lốc xoáy, sấm sét, mưa đá… là rất lớn. Do vậy, người dân cần chủ động đề phòng nhằm tránh thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng.
Để ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, UBND tỉnh cũng đã có Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ để dự báo, cảnh báo về mưa giông, sấm sét, mưa đá, lốc xoáy… Đồng thời, các địa phương cần chủ động triển khai biện pháp phòng tránh, ứng phó trong mọi tình huống với phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản; kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn, tránh thiệt hại về người. Thường trực Ban chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đôn đốc, hướng dẫn chính quyền các địa phương triển khai cấp bách các biện pháp phòng tránh, ứng phó và khắc phục thiệt hại do mưa giông, sét, tố, lốc, mưa đá gây ra. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng huy động lực lượng giúp dân, địa phương sửa chữa nhà cửa, công trình bị tốc mái, sập đổ, hư hỏng do giông, sét, tố, lốc và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác gây ra để sớm ổn định đời sống.
NGUYỄN QUANG