(GLO)- Gia Lai đang bước vào giữa mùa khô, thời tiết nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Để ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng, ngành chức năng và đơn vị chủ rừng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.
Tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng
Toàn tỉnh hiện có 597.000 ha rừng, trong đó có khoảng 270.000 ha rừng dễ cháy. Đặc biệt, khoảng 50.000 ha rừng trồng có nguy cơ cháy cao. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay, tại 3 địa phương gồm: TP. Pleiku, huyện Đak Pơ và huyện Chư Pah đã xảy ra cháy rừng.
Hơn 7 ha rừng phòng hộ núi Hàm Rồng bị cháy lướt dưới tán rừng. Ảnh: Hoành Sơn |
Cụ thể, khoảng 11 giờ ngày 12-3, tại khu vực núi Hàm Rồng (TP. Pleiku), thuộc tiểu khu 392 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý đã xảy ra cháy. Đám cháy bắt nguồn từ khu vực suối cạn phía Đông chân núi Hàm Rồng rồi lan lên diện tích rừng phòng hộ trên núi. Phải mất 4 tiếng đồng hồ, lực lượng chữa cháy với hơn 1.000 người mới khống chế được ngọn lửa. Hậu quả, hơn 7 ha rừng phòng hộ bị cháy lướt dưới tán rừng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do 3 người dân cùng trú tại làng O Yố (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) gom cỏ đốt nhưng do bất cẩn nên ngọn lửa lan lên khu vực rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Tất Thành-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ-cho biết: “Tổng diện tích đất lâm nghiệp mà đơn vị được giao quản lý là 8.200 ha, chủ yếu là rừng thông trồng nên dễ cháy. Nguyên nhân xảy ra cháy phần lớn là do người dân lên núi chăn thả gia súc, nhặt phân bò, lấy mật ong bất cẩn khi sử dụng lửa”. Tương tự, ông Hoàng Thi Thơ-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba-thông tin: Ban đang quản lý gần 23.000 ha rừng nằm rải rác ở nhiều xã, chủ yếu là rừng khộp rụng lá vào mùa khô nên rất dễ cháy.
Tăng cường phòng-chống cháy rừng
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên: Mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm hơn mọi năm. Mùa khô 2019-2020 vì vậy cũng đến sớm hơn, diễn biến thời tiết có phần phức tạp, dự báo nguy cơ cháy rừng cao. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng-chống cháy rừng trong mùa khô.
Diễn tập phòng-chống cháy rừng. Ảnh: H.S |
Trên địa bàn huyện Mang Yang hiện có hơn 53.000 ha đất có rừng, trong đó có gần 6.000 ha ở các xã trọng điểm cháy gồm: Ayun, Hà Ra, Đê Ar, Đak Trôi, Đak Djrăng. Ông Trần Tất Đắc-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang-cho biết: “Huyện đã lên phương án và phối hợp với lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn sẵn sàng huy động gần 250 cán bộ, chiến sĩ, 1 xe tải chở nước, 1 máy bơm và 4 xe máy chữa cháy chuyên dụng khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Chúng tôi cũng đã phát 300 tờ tranh ảnh tuyên truyền, 600 sổ tay các loại, tiến hành tuyên truyền 14 đợt với hơn 1.000 lượt người tham gia để giúp nhân dân địa phương nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng”.
Có 100.390 ha đất lâm nghiệp, trong đó, khoảng 84.000 ha là đất có rừng nên ngay từ đầu mùa khô, huyện Krông Pa đã chủ động xây dựng phương án phòng-chống cháy rừng, chú trọng việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó gồm 1.300 người, 702 chiếc xe, 1.132 bàn dập lửa cùng nhiều phương tiện khác. “Đầu mùa khô 2019-2020, Hạt đã cấp phát cho các xã, các đơn vị chủ rừng khoảng 4.500 tờ lịch, tranh tuyên truyền, tờ cam kết an toàn lửa rừng, tờ rơi có nội dung bảo vệ rừng, sổ tay tuyên truyền bảo vệ rừng, nội quy phòng-chống cháy rừng. Tất cả các tài liệu trên đều được in bằng 2 thứ tiếng Kinh và Jrai”-ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng-Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho hay: “Nguy cơ cháy cao nhất là rừng trồng. Vậy nên, người dân, chủ rừng cần quan tâm thực hiện nghiêm hướng dẫn của ngành chức năng về phòng-chống cháy rừng. Ngay từ đầu mùa khô năm nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí thông báo cấp dự báo cháy rừng 2 lần/tuần; bố trí lực lượng thay phiên trực 24/24 giờ nhằm sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống”.
HOÀNH SƠN