Năm học 2024-2025, Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) có trên 500 học sinh với 13 nhóm lớp. Xác định công tác phòng-chống dịch bệnh trường học là nhiệm vụ quan trọng, nhà trường đã chủ động triển khai các biện pháp phòng- chống ngay từ đầu năm học với mục tiêu chung không để dịch bệnh lây lan và bùng phát.
Bà Trần Thị Thoa- Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phong Lan nhấn mạnh: Thời gian qua, các ca mắc bệnh sởi có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, nhà trường chưa ghi nhận ca mắc sởi nào tại trường học. Để chủ động phòng- chống bệnh sởi nói riêng, các dịch bệnh khác nói chung, nhà trường tuyên truyền đến các phụ huynh cùng phối hợp, chung tay phòng-chống bệnh. Đặc biệt, đối với các trẻ có dấu hiệu sốt, ho… thì phụ huynh chủ động cho trẻ nghỉ học và theo dõi ở nhà tránh lây bệnh cho các em học sinh khác; khuyến cáo phụ huynh cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin để phòng bệnh.
“Ngoài ra, nhà trường tuyên truyền đến các em học sinh các biện pháp phòng bệnh như rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc những chỗ đông người. Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, nhà trường xây dựng thực đơn đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức vệ sinh, sát khuẩn lớp học, khuôn viên trường học thường xuyên, đảm bảo sàn nhà, bàn ghế, nắm đấm cửa, vật dụng đồ chơi, khu vệ sinh chung sạch sẽ giúp trẻ có môi trường học tập an toàn, đảm bảo sức khỏe”- bà Trần Thị Thoa cho biết.
Tại Trường Mầm non Sao Mai (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku), trước tình hình bệnh sởi gia tăng, nhà trường đã phối hợp với ngành Y tế rà soát và vận động các gia đình có học sinh chưa tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi đầy đủ thì đưa trẻ đi tiêm chủng. Qua đó, 60 học sinh tại trường đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi-Rubella trong đợt vừa qua.
Bà Trần Thị Liên-Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai thông tin: Năm học này, nhà trước có 470 học sinh, học tại 3 cơ sở. Trong công tác phòng-chống dịch bệnh, nhà trường có thuận lợi có y tế trường học nên công tác phòng-chống dịch bệnh được triển khai thường xuyên, liên tục. Ngay khi trẻ nhập học tại trường, chúng tôi đều yêu cầu phụ huynh cung cấp bản phô tô tiêm chủng của trẻ để theo dõi.
“Trước tình hình bệnh sởi gia tăng, nhà trường tuyên truyền, phổ biến đến các phụ huynh học sinh các biện pháp phòng-chống; khuyến cáo cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các loại vắc xin dịch vụ khác nếu có điều kiện.
Đồng thời, nhà trường phối hợp với phụ huynh giám sát sức khỏe trẻ thường xuyên, kịp thời phát hiện và cho trẻ nghỉ nếu trẻ đau ốm để phòng lây cho trẻ khác. Bên cạnh đó, nhà trường hướng dẫn trẻ cách vệ sinh cá nhân phòng-chống bệnh; vệ sinh, sát khuẩn định kỳ các phòng học, khuôn viên trường đảm bảo sạch sẽ theo quy định. Qua chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh, đến nay nhà trường chưa ghi nhận ca mắc sởi nào tại trường học”- Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai Trần Thị Liên cho hay.
Đồng hành cùng nhà trường trong công tác phòng-chống bệnh sởi, nhiều phụ huynh đã chủ động cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Chị Nguyễn Hoài Thương- tổ 6, phường Diên Hồng, TP. Pleiku cho biết: Con tôi học tại Trường Mầm non Sao Mai. Nhà trường có thông báo việc trẻ chưa tiêm chủng vắc xin sởi thì chủ động cho trẻ đi tiêm đầy đủ để phòng bệnh cho trẻ. Ngoài ra, phụ huynh chúng tôi cũng chủ động phối hợp, chung tay cùng nhà trường trong phòng-chống dịch bệnh đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ.
Đối với Trường Mầm non Sơn Ca (xã Chư Krey, huyện Kông Chro), nhà trường luôn quan tâm công tác phòng-chống dịch bệnh trường học và phối hợp với ngành Y tế địa phương trong triển khai các hoạt động y tế học đường. Bà Đinh Thị Tuyết Linh-Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca thông tin: Mới đây, nhà trường đã phối hợp Trạm Y tế xã tổ chức cân đo trẻ và cho trẻ uống Vitamin A. Về phòng-chống bệnh sởi, nhà trường tuyên truyền, phổ biến đến các phụ huynh và học sinh; nhắc nhở phụ huynh tiêm chủng đầy đủ cho trẻ… Ngoài ra, công tác vệ sinh trường, lớp học được thực hiện định kỳ. Qua chủ động phòng-chống bệnh, đến thời điểm hiện nay, nhà trường chưa ghi nhận ca mắc bệnh sởi tại trường học.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, bệnh sởi lây theo đường hô hấp, thông qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp đồ vật, đồ chơi có dính mầm bệnh. Để phòng-chống bệnh sởi trong trường học, nhà trường cần thường xuyên lau vệ sinh lớp học; lau sàn nhà, bàn ghế, nắm đấm cửa, vật dụng đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn thông thường hoặc dung dịch khử trùng có chứa Clo với nồng độ 0,5% Clo hoạt tính.
Các thầy cô giáo cần hướng dẫn trẻ các bước rửa tay đúng cách bằng xà phòng sau khi vui chơi, đi vệ sinh và trước khi ăn; giữ gìn vệ sinh hàng ngày, sinh hoạt, nghỉ ngơi đúng giờ giấc… Nhà trường cùng phụ huynh theo dõi, giám sát sức khỏe cho trẻ thường xuyên, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi như: Sốt, ho khan, sổ mũi, mắt đỏ và phát ban… cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp. Đồng thời, gia đình thông báo ngay cho nhà trường, trạm y tế phường, xã, thị trấn để phối hợp xử lý theo quy định.