Gia Lai chủ động chuyển đổi cây trồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để vụ Đông Xuân 2020-2021 đạt hiệu quả cao, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai khuyến cáo bà con nông dân chủ động chuyển đổi cây trồng, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất và đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.

Xuống giống nhanh, gọn và tập trung

Ngày 25-11, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn hướng dẫn các địa phương triển khai lịch thời vụ đối với cây lúa nước. Theo đó, khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh cần xuống giống tập trung từ ngày 20-12 đến 10-1-2021; khu vực phía Tây tỉnh xuống giống tập trung trong tháng 12-2020. Riêng đối với những chân ruộng không chủ động nước thì cần xuống giống sớm hơn và sử dụng giống ngắn ngày, chịu khô hạn.

Sở cũng khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa chủ lực như: HT1, VND95-20, ML48, OM4900, OM6162, OM5451, IR64, Đài Thơm 8. Đối với cây bắp thì sử dụng giống biến đổi gen có khả năng kháng sâu keo mùa thu như: NK7328Bt/GT, NK67Bt/GT, Bioseed 9698... Riêng cây mì thì sử dụng các loại giống KM94, KM95, KM98/5 để hạn chế bệnh khảm lá vi rút.

Người dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) chuẩn bị đất sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Lê Nam
Người dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) chuẩn bị đất sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Lê Nam


Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho hay: Từ ngày 15-12, khi có nguồn nước từ công trình thủy lợi Ayun Hạ về, người dân đã tập trung xuống giống cho kịp lịch thời vụ. Riêng đối với những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ, địa phương khuyến cáo người dân gieo trồng sớm. Đối với vùng dễ bị ngập lụt, lũ quét, cần chọn các giống có thời gian sinh trưởng ngắn để kịp thời thu hoạch và phòng tránh thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa.

Tương tự, ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Chúng tôi khuyến cáo người dân xuống giống sớm hơn khoảng 15 ngày so với những năm trước để tranh thủ độ ẩm cuối mùa mưa. Ngoài ra, để sản xuất đạt hiệu quả, địa phương đã hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật canh tác, lịch thời vụ, cách phòng trừ sâu bệnh và triển khai các biện pháp phòng-chống hạn. Trong đó, người dân cần xuống giống tập trung, nhanh gọn đối với cây lúa nước. Riêng vùng không chủ động nước thì phải xuống giống sớm hơn hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.

Sản xuất đi vào chiều sâu

Ông Rơ Châm Gri (làng Ia Tong, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho hay: “Trước đây, tôi thường gieo sạ giống lúa HT1. Vụ mùa 2020, một số bà con ở đây trồng giống J02 cho năng suất cao và giá bán cũng cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg. Vụ Đông Xuân năm nay, tôi sẽ chuyển toàn bộ 3 sào lúa nước sang trồng giống J02 và liên kết với tổ hợp tác kinh doanh lúa gạo xã Ia Dêr để tiêu thụ sản phẩm”.

Tương tự, bà Puih HMluch (làng Blang 2, xã Ia Dêr) chia sẻ: “Nhờ có tổ hợp tác kinh doanh lúa gạo xã Ia Dêr liên kết sản xuất và tiêu thụ nên tôi đã chuyển toàn bộ diện tích 6 sào qua trồng giống lúa mới J02. Đây là giống lúa cho chất lượng gạo thơm, năng suất cao và có giá bán cao hơn”.
 

Người dân huyện Ia Grai chăm sóc lúa. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Ia Grai chăm sóc lúa. Ảnh: Lê Nam

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn tỉnh gieo trồng 73.350 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa 25.000 ha, bắp 4.260 ha, đậu các loại 4.670 ha, rau các loại 15.190 ha, cây có củ 12.170 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 9.540 ha và 2.560 ha cây hàng năm khác.

Ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Vụ Đông Xuân năm nay, từ nguồn vốn bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hỗ trợ 14,6 tấn lúa giống cho bà con nông dân. Chúng tôi khuyến cáo bà con không xuống giống trên những diện tích có khả năng bị hạn, thiếu nước tưới vào cuối vụ. Đồng thời, phân lịch tưới hợp lý, tránh để tranh chấp nước tưới giữa cây cà phê, hồ tiêu với cây lúa.

Trong khi đó, vụ Đông Xuân năm nay, huyện Phú Thiện phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa. Theo đó, Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) vừa ký liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện triển khai sản xuất 500 ha giống lúa Đài Thơm 8. “Việc hợp tác liên kết sẽ giúp người dân có điều kiện ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí, tạo ra lượng lúa gạo hàng hóa lớn với chất lượng tốt, bán được giá cao”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thông tin.

Tại huyện Kbang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Mã Văn Tình cho biết: Đến nay, người dân đã xuống giống khoảng 30% diện tích. Trong đó, các xã phía Nam huyện cơ bản đã xuống giống xong diện tích lúa nước để tránh hạn cuối vụ. Năm nay, huyện tiếp tục thực hiện chuyển đổi những diện tích mía năng suất kém sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng các giống bắp biến đổi gen để hạn chế sâu bệnh.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) khuyến cáo: Bà con nông dân cần chuẩn bị đầy đủ đất đai, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, tuân thủ lịch thời vụ, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng để phát huy hiệu quả. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến và tiết kiệm nước, triển khai các biện pháp phòng-chống hạn.

“Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp để tuyên truyền hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Organic... hướng đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, gắn với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý”-ông Khải cho biết thêm.
 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.