Gia Lai cảnh giác với dịch cúm gia cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Song song với việc phòng-chống dịch Covid-19, công tác phòng ngừa dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang được các ngành, địa phương và người dân tập trung triển khai quyết liệt.
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cả nước đã xuất hiện 8 ổ dịch cúm A/H5N6 tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh và TP. Hà Nội với 31 ngàn con gia cầm bị tiêu hủy. Nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất lớn. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 167/TTg-NN về chủ động phòng-chống dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên gia cầm và trên người. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng-chống bệnh cúm gia cầm.
 Phun thuốc tiêu độc khử trùng để ngăn ngừa dịch bệnh. Ảnh: N.D
Phun thuốc tiêu độc khử trùng để ngăn ngừa dịch bệnh. Ảnh: N.D
Tại địa bàn tỉnh ta, đến thời điểm này chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm nào. Tuy nhiên, với thời tiết diễn biến phức tạp, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y thì điều kiện cho mầm bệnh phát sinh là rất cao. Vì vậy, việc chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống dịch, không để xuất hiện dịch cúm gia cầm gây thiệt hại cho người chăn nuôi đang được ngành chuyên môn và các địa phương triển khai quyết liệt.
Là một trong những hộ nuôi gia cầm với số lượng lớn, ông Phạm Mẫn (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi khoảng 4.000 con gà đẻ trứng. Trước thông tin dịch cúm gia cầm đang xuất hiện tại một số tỉnh phía Bắc, gia đình tôi đã chủ động tiêu độc khử trùng chuồng trại, mua thuốc phòng bệnh cho gà và hạn chế người lạ ra vào trang trại”. Ông Lê Văn Cần (xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) cho biết thêm: “Hiện trang trại của tôi liên kết nuôi khoảng 30 ngàn con gà thịt chuẩn bị xuất chuồng. Nhằm bảo vệ đàn gà phát triển ổn định, gia đình thường xuyên rắc vôi bột, tổ chức tiêu độc khử trùng các phương tiện, hạn chế người ra vào trang trại và chỉ có người nhà mới được vào chăm sóc. Đây là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh xảy ra”.
Các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng-chống dịch cúm gia cầm. Đơn cử, huyện Đak Đoa đã xuất hóa chất Benkocid cho các xã, thị trấn triển khai tháng “Vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường” đợt 1-2020 ở những khu vực có nguy cơ cao; lập kế hoạch chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã có Công điện khẩn số 03/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng-chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT có Công văn số 202/SNNPTNT-CCCNTY về phòng-chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1; hướng dẫn các địa phương tổ chức tháng “Vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường” đợt 1-2020…    
Trao đổi với P.V, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Ngành Nông nghiệp và PTNT đang tập trung chỉ đạo các địa phương theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Thường xuyên trao đổi với cơ quan chuyên môn, giám sát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ trái phép. Cùng với đó, Chi cục đã xuất 3.036 lít hóa chất Benkocid từ nguồn dự trữ của tỉnh cho các địa phương triển khai đồng loạt tháng “Vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường” đợt 1-2020 từ nay đến ngày 29-2. Đồng thời, tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, chủ động các biện pháp phòng-chống dịch theo hướng dẫn của cấp trên nhằm bảo vệ đàn gia cầm phát triển ổn định, không để dịch xảy ra gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.