Giá hồ tiêu tăng mạnh: Không nhiều nông dân hưởng lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chốt phiên giao dịch ngày 15-8, giá hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang ở mức 76-77 ngàn đồng/kg và dao động đến 80 ngàn đồng/kg. Theo dự báo thị trường, khả năng giá hồ tiêu sẽ còn tiếp tục bật lên vào cuối năm nay.  

Nếu như ở thời điểm năm 2015, giá hồ tiêu tăng vượt đỉnh đạt tới 220 ngàn đồng/kg thì đến đầu tháng 4-2020, mặt hàng này rớt giá chạm đáy còn 34 ngàn đồng/kg. Qua theo dõi biểu đồ giá hồ tiêu từ đầu năm 2021 đến nay, một ngưỡng giá mới đang bắt đầu hình thành khi đạt trên 70 ngàn đồng/kg. Chốt phiên giao dịch ngày 15-8, giá hồ tiêu đạt 76-77 ngàn đồng/kg và dao động chạm ngưỡng 80 ngàn đồng/kg. Ngay tại vùng chuyên canh hồ tiêu Nam Yang (huyện Đak Đoa), mặc dù bận rộn với công việc ruộng rẫy nhưng anh Nguyễn Phi Hùng (thôn 1) vẫn luôn quan tâm cập nhật giá hồ tiêu thông qua các phương tiện truyền thông. “Mấy năm qua, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu nên càng đầu tư càng lỗ. Năm nay, giá hồ tiêu liên tục tăng trên 70 ngàn đồng/kg, người trồng rất phấn khởi. Tuy nhiên, vụ hồ tiêu 2020-2021, gia đình tôi thu chỉ tầm 2 tấn/ha. Gặp lúc giá cao như vậy nhưng hầu như không mấy người còn hồ tiêu để bán”-anh Hùng cho biết.

 Nông dân huyện Chư Sê thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Quang Tấn
Nông dân huyện Chư Sê thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Quang Tấn


Còn tại vùng nguyên liệu hồ tiêu Chư Sê, ông Phạm Văn Thành (thôn Thái Hà, xã Chư Pơng) băn khoăn: “Mấy năm trước, tôi đã bỏ công sức đầu tư hơn 1.000 trụ hồ tiêu. Tới thời điểm có thu thì lớp bệnh chết, lớp giá xuống thấp nên cũng bỏ bê chăm sóc. May mà còn có vườn cà phê, chanh dây xoay xở để duy trì cuộc sống. Số trụ hồ tiêu còn lại không được đầu tư chăm sóc nên thu cũng không được bao nhiêu. Giờ giá hồ tiêu lên, tôi không đủ vốn đầu tư trồng lại nữa”.   

Tổng diện tích hồ tiêu của Gia Lai hiện khoảng 13.673 ha, trong đó có khoảng 12.582 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Qua khảo sát thực tế cho thấy, do ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh và suất đầu tư chăm sóc cho vườn cây giảm mạnh nên sản lượng niên vụ 2020-2021 thấp hơn so với trước. Ông Trần Ngọc Chương-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ngọc Chương Gia Lai (thôn Hàm Rồng, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) cho biết: “Mặt hàng hồ tiêu chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc, hàng thông quan mạnh là yếu tố tác động giá hồ tiêu phục hồi từ cuối tháng 5-2021. Hiện nay, giá hồ tiêu tăng nhưng chúng tôi không có hàng trong vùng nguyên liệu để thu mua. Khoảng 80% sản lượng hồ tiêu năm nay đã được nông dân bán từ đầu vụ, hiện nay chủ yếu thu mua kiểu nhỏ lẻ. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi tình hình hồ tiêu chết, giá giảm sâu nên người dân buộc phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác, số diện tích còn lại thì gần như không được đầu tư chăm sóc nên năng suất, sản lượng sụt giảm”.

Cùng chung nhận định, bà Hà Thị Gái-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Gái Thành (257 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa) thông tin: “Hồ tiêu là một trong số mặt hàng nông sản thu mua chủ lực của Công ty. Các năm trước, Công ty thu mua hơn 1 tấn/ngày thì năm nay chỉ còn vài tạ/ngày. Tuy giá có chiều hướng tăng lên gần đây nhưng thời điểm này hầu hết người dân không còn hồ tiêu để bán”.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường các nước giảm về lượng nhưng tăng về giá. Ảnh: Sơn Ca
Trong 7 tháng đầu năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường các nước giảm về lượng nhưng tăng về giá. Ảnh: Sơn Ca


Theo cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nếu như tổng diện tích hồ tiêu cả nước đạt cao nhất vào năm 2017 là 153 ngàn ha thì đến cuối năm 2020 còn lại 131,8 ngàn ha. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết bất lợi, suất đầu tư giảm mạnh dẫn đến sản lượng của niên vụ 2019-2020 chỉ 240 ngàn tấn; niên vụ 2020-2021 ước tính giảm tới 30% so với niên vụ trước.

Xung quanh các yếu tố cơ sở tác động để xác lập chu kỳ giá mới của hồ tiêu, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-nhận định: “Thị trường hồ tiêu đang ở trạng thái giảm về sản lượng, tăng về giá trị xuất khẩu. Mặc dù giá hồ tiêu đang tăng lên, người trồng không còn bị lỗ và khả năng sẽ có giá tốt hơn trong tương lai, nhưng chúng ta cần nhìn nhận thực tế rằng, tình hình dịch Covid-19 đang làm đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa, chi phí vận chuyển tăng. Một số doanh nghiệp ký bán trước giá 40-55 ngàn đồng/kg nay phải mua với giá trên 70 ngàn đồng/kg để giao hàng theo hợp đồng sẽ gặp khó khăn. Hoặc ngược lại có tình trạng doanh nghiệp tranh thủ chốt lời đẩy hàng lưu trữ nên khả năng giá cả thay đổi trong thời gian ngắn… Chúng tôi nhận định đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá hồ tiêu sẽ tốt dần lên, khả năng có thể đạt 90-100 ngàn đồng/kg”.

 

 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.