Giá hồ tiêu tăng, nông dân vẫn phải cẩn trọng với việc trồng mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những tháng đầu năm, giá hồ tiêu trên thị trường bất ngờ tăng lên mức 65-80 ngàn đồng/kg. Đây là tín hiệu lạc quan sau gần 4 năm giá hồ tiêu lao dốc. Tuy nhiên, người dân Gia Lai vẫn phải cẩn trọng, không vội đầu tư mở rộng diện tích loại cây trồng này.

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương trong tỉnh như: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Păh, Ia Grai, TP. Pleiku… Khi giá hồ tiêu tăng cao và ổn định, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập “khủng”. Từ đó, nhiều hộ bất chấp rủi ro vay vốn đầu tư mở rộng diện tích hồ tiêu. Tuy nhiên, thiên tai, dịch bệnh bất ngờ xuất hiện khiến cây hồ tiêu chết hàng loạt. Đã vậy, giá hồ tiêu trên thị trường liên tục giảm mạnh chỉ còn 35-40 ngàn đồng/kg khiến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Sau gần 4 năm chạm đáy, những tháng đầu năm 2021, giá hồ tiêu tăng lên mức 65-75 ngàn đồng/kg, có thời điểm đạt 80 ngàn đồng/kg. Điều này mang lại niềm vui rất lớn cho nhiều hộ trồng hồ tiêu.

Bà Nguyễn Thị Thanh (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: “Tôi trồng hồ tiêu từ năm 2007. Trước đây, 3.000 trụ hồ tiêu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Nhưng rồi dịch bệnh xuất hiện khiến cây hồ tiêu chết dần, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm nay, giá hồ tiêu tăng trở lại nhưng tôi không vội mở rộng diện tích mà tập trung chăm sóc diện tích còn lại. Tôi chỉ xử lý nấm bệnh trong đất trồng lại khoảng 200 trụ, chủ yếu để gầy giống. Trên diện tích này, tôi trồng thêm 70 cây chanh dây vừa che bóng mát, vừa có nguồn thu nhập để chăm sóc cây hồ tiêu phát triển ổn định”.  

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng (làng Kênh Siêu, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) cho hay: “Hiện nay, một số hộ dân bắt đầu trồng hồ tiêu nhưng diện tích không nhiều như trước đây vì nguồn vốn hạn chế. Bên cạnh đó, họ trồng xen vào vườn cà phê và cây ăn quả để có nguồn thu nhập. Riêng tôi, trước đây cũng có hơn 1.000 trụ hồ tiêu kinh doanh, nhưng rồi dịch bệnh bất ngờ xuất hiện đã làm cây chết nhiều, hiện chỉ còn hơn 400 trụ. Những tháng gần đây, giá hồ tiêu tăng trở lại, song gia đình tôi chỉ đầu tư trồng lại mỗi năm khoảng 100-200 trụ xen trong vườn cà phê và cây ăn quả”.

  Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) dự định trồng mỗi năm khoảng 100-200 trụ hồ tiêu xen trong vườn cà phê và cây ăn quả. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) dự định trồng mỗi năm khoảng 100-200 trụ hồ tiêu xen trong vườn cà phê và cây ăn quả. Ảnh: Nguyễn Diệp


Chư Sê và Chư Pưh từng là “thủ phủ” hồ tiêu của cả nước. Khi dịch bệnh xảy ra và giá hồ tiêu xuống thấp, nhiều hộ dân nơi đây rơi vào cảnh nợ nần. Hiện nay, giá mặt hàng này bắt đầu phục hồi. Ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân cần liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sử dụng nguồn giống sạch bệnh.

Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Một số hộ dân có kinh tế ổn định đang bắt đầu trồng lại hồ tiêu nhưng diện tích không nhiều. Phòng khuyến khích người dân liên kết với Công ty TNHH Olam để mua giống sạch bệnh và được hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Sau này, sản phẩm được Công ty thu mua với giá cao hơn so với hồ tiêu sản xuất thông thường.

Nông dân Chư Pưh sản xuất hồ tiêu hữu cơ
Nông dân Chư Pưh sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Diệp


Còn ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: “Chúng tôi khuyến cáo người dân nên mua giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh. Bên cạnh đó, các hộ nên trồng xen vào vườn cà phê, cây ăn quả để đa dạng hóa cây trồng, có nguồn thu nhập xoay vòng, hạn chế độc canh cây hồ tiêu”.

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-thông tin: Hiện tại, hồ tiêu đang bước vào chu kỳ giá mới nên người dân cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích. Hiệp hội đã khuyến cáo người dân khi trồng mới phải xử lý đất, nấm bệnh trên trụ gỗ và trụ bê tông; trồng cây che bóng mát và chọn những vùng đất phù hợp để cây hồ tiêu phát triển mạnh; trồng theo hướng hữu cơ… Đặc biệt, người dân không nên trồng ở những diện tích đã nhiễm bệnh nặng từ trước và trồng xen trong vườn cà phê, cây ăn quả.

Mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân nên sử dụng giống Vĩnh Linh và Lộc Ninh cho những diện tích tái canh trong quy hoạch, kế hoạch sản xuất của địa phương; sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng quy trình canh tác bền vững có truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức rà soát diện tích hồ tiêu trên địa bàn, xác định vùng sản xuất phù hợp và không phù hợp để định hướng phát triển các vùng hồ tiêu an toàn gắn với xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

 

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.