Gia đình dấu yêu: Đã bao lâu rồi bạn không ôm con ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đã bao lâu rồi bạn không ôm con? Đã bao lâu rồi chúng ta không dành cho bọn trẻ vòng tay dịu dàng, cõi lòng rộng mở lắng nghe con tỉ tê chuyện trò?

Đã bao lâu rồi ta không ôm con, thủ thỉ thốt lên lời yêu thương và cho trẻ cơ hội cảm nhận rằng các con quan trọng và quý giá đến thế nào đối với mẹ cha?

 Minh họa: Văn Nguyễn
Minh họa: Văn Nguyễn


Hay là chúng ta cứ mải xoay vòng theo cuộc sống bộn bề mà quên mất rằng con trẻ đang mỗi ngày mỗi lớn và liên tục đối diện với vô số cơn sóng dao động trong tâm hồn?

Để rồi thay vì lắng nghe con, chúng ta cứ ra mệnh lệnh: “Học bài đi!”, “Đến giờ học thêm rồi, nhanh đi con!”, “Mai cố gắng làm bài tốt nghe con!”… Rồi mỗi ngày đón con từ trường, chúng ta cứ hỏi dồn dập chuyện “hôm nay được mấy điểm”, “nhắm có được học sinh giỏi cuối kỳ”…

Để rồi thay vì ôm con vào lòng như hồi bé tí, chúng ta lại bỏ mặc con với mớ bòng bong của áp lực bài vở, những trục trặc trong quan hệ bạn bè, rắc rối về đổi thay cảm xúc với bạn khác giới. Đôi khi con trẻ vừa mới gợi chuyện để mở lòng, chúng ta vội đóng sập cánh cửa lòng của con bằng cách gạt đi “chuyện trẻ con mà”.

Để rồi khi cơn nóng giận ào ạt kéo đến, ta cứ thế ném lia lịa những lời đay nghiến, giằng xé về phía đối phương mà quên mất rằng con trẻ vô tình biến thành “nạn nhân” trong cuộc chiến giữa bố mẹ. Người lớn cố tình làm đau nhau bằng mọi cách, ngờ đâu vết xước trong tâm hồn con trẻ lại lớn dần, lớn dần và bế tắc.

Cánh cửa phòng ngày càng khép chặt và những đứa trẻ co mình lại trong thế giới riêng ngày càng nhan nhản. Quen khép mình, ít thổ lộ nên khi gặp vấp váp, trở ngại, bọn trẻ cứ thế mà lặng im thin thít chịu đựng và… chịu đựng.

Nhiều ông bố bà mẹ ngày nay cứ hay than thở sao bọn trẻ vô tâm trước nỗi vất vả của người thân, thậm chí là vô cảm đến mức khước từ biểu hiện yêu thương, quan tâm, chăm sóc, lo lắng, hỏi han… mà quên mất rằng ai kia rồi cũng phải lớn lên. Và hành trình trưởng thành của con trẻ cần lắm sự dưỡng nuôi cảm xúc yêu thương giữa bố mẹ - con cái.

Chúng ta - những người bố người mẹ không cần phải “cày cuốc” đến bở hơi tai chỉ để con cái có cuộc sống nhung lụa. Chúng ta lại càng không cần phải chu cấp tiền bạc thừa mứa, mua sắm áo quần đắt tiền, cung phụng con cái từ chân tơ kẽ tóc chỉ cốt làm cho con “ăn ngon, mặc đẹp”.

Quan trọng hơn hết là chúng ta phải tạo cơ hội cho con cái được hít thở bầu không khí của cuộc sống tràn ngập yêu thương, để con đồng cam cộng khổ thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ và trân quý món quà cuộc sống.

Vậy nên, đưa con đến trường, hãy ôm con và chúc trẻ có một ngày học hành vui vẻ thay vì đe nẹt “làm toán cẩn thận, liệu mà đem về điểm thấp”! Rồi mỗi chiều đón trẻ, đừng cất lời “hôm nay được mấy điểm” mà hãy hỏi han “hôm nay con học vui không”.


Xin phớt hồng yêu thương, sẻ chia, động viên lên từng trang giấy tuổi thơ - tuổi trẻ bằng muôn cái ôm…
 

Theo TRANG HIẾU (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bệnh viện Quân y 211 đồng hành cùng bệnh nhân khó khăn

Bệnh viện Quân y 211 đồng hành cùng bệnh nhân khó khăn

(GLO)- Ngày 5-7, sau ca phẫu thuật nối bàn chân phải bị đứt lìa, bệnh nhân Xuăk (làng Trek, xã Kdang) đã tỉnh táo, giao tiếp tốt. Dù còn đau đớn nhưng nhìn bàn chân được nối thành công bước đầu, chị Xuăk vô cùng cảm kích tấm lòng đồng hành vì người bệnh của các y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 211.

Giữ vững mạch an sinh, thông suốt chính sách sau hợp nhất

Giữ vững mạch an sinh, thông suốt chính sách sau hợp nhất

(GLO)- Sau khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-6-2025 trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị BHXH Bình Định và BHXH Gia Lai, BHXH khu vực XXIII đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thông suốt vận hành nghiệp vụ, đảm bảo không gián đoạn chính sách, giữ vững lưới an sinh xã hội tại tỉnh Gia Lai (mới).

Thủ lĩnh của làng

Thủ lĩnh của làng

(GLO)- Là người gốc Campuchia nhưng dưới họa diệt chủng của bọn Pol Pot, năm 1978, Rơ Mah Blơi đã cùng gia đình sang Việt Nam lánh nạn. Gần 50 năm qua, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của mảnh đất này, cùng chung tay vun đắp mối quan hệ đoàn kết hai bên biên giới.

Chị Nay H’Uôn (thứ 2 từ phải sang, buôn Ji, xã Krông Năng) cùng 4 người bạn vui mừng vì đã sẻ chia giọt máu hồng, trao thêm cơ hội được cứu sống cho các bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

Hạnh phúc khi được sẻ chia giọt máu hồng

(GLO)- Đông đảo tình nguyện viên huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã tham gia buổi hiến máu tình nguyện vào sáng 28-6. Với họ, hiến máu không chỉ giúp phục vụ tốt hơn công tác cứu chữa bệnh nhân mà còn lan tỏa thông điệp nhân văn vì cộng đồng.

“Cửa hàng hai sọt” rong ruổi ngược xuôi

“Cửa hàng hai sọt” rong ruổi ngược xuôi

Không bảng hiệu, chẳng gian hàng, chỉ có đôi sọt hàng và một chiếc xe máy cũ kỹ. Thế nhưng, từng ngày, những tiểu thương miền xuôi đều đặn mang “chợ”, vượt núi, đường dài đến với bà con vùng cao. Mỗi chuyến đi là một lần kết nối, sẻ chia khó nhọc và góp phần làm ấm thêm đời sống ở những thôn, làng xa.
null