Giá bò hơi giảm nhưng vẫn khó tiêu thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ cuối tháng 4 đến nay, giá bò hơi trên thị trường giảm đáng kể nhưng vẫn khó tiêu thụ. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao. Tình trạng này đẩy nhiều hộ chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Gia Lai rơi vào cảnh khó khăn.

 Bà Trần Thị Thái (làng Hrãk, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) cho biết, bò hơi không chỉ giảm giá mà còn khó bán. Ảnh: Nguyễn Diệp
Bà Trần Thị Thái (làng Hrãk, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) cho biết, bò hơi không chỉ giảm giá mà còn khó bán. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Lê Xuân Diệp (làng Hrãk, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) cho biết, ông nuôi bò đã nhiều năm để cung cấp bò thịt, bò sinh sản cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, chưa khi nào ông thấy giá bò hơi lại giảm thấp như những tháng gần đây. Hiện tại, giá bò hơi bình quân dao động chỉ còn khoảng 60-65 ngàn đồng/kg, giảm 20-30% so với những năm trước. Riêng bò 3B có thời điểm giá lên đến hơn 100 ngàn đồng/kg hơi nhưng nay cũng chỉ còn khoảng 80 ngàn đồng/kg mà không có người mua. “Những năm trước, giá bò hơi luôn duy trì ở mức 70-85 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên đến gần 100 ngàn đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại thấp nên người nuôi có lợi nhuận. Còn bây giờ, giá bò hơi xuống thấp, lại còn khó tiêu thụ, trong khi giá thức ăn tăng cao nên người nuôi lỗ cả công chăm sóc và vốn”-ông Diệp nói.
 

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, tổng đàn bò của tỉnh hiện có trên 435 ngàn con, đạt 96,12% kế hoạch, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái; đàn trâu 15.776 con, đạt 109% kế hoạch.

Tương tự, bà Trần Thị Thái (cùng làng) cho hay: Vài tháng trở lại đây, giá bò hơi xuống thấp, mỗi lần cần bán kêu các chủ lò mổ quen thì họ cũng không muốn mua. Hiện đàn bò nuôi nhốt của gia đình tôi lên đến 60 con, mỗi ngày đầu tư 500-800 ngàn đồng tiền thức ăn, chưa tính những rủi ro phát sinh nhưng phải chấp nhận chờ giá ổn định mới xuất bán. Thời điểm này, nuôi bò chủ yếu để tận dụng nguồn phân chuồng bón cho 2 ha cà phê nhằm giảm chi phí đầu tư phân hóa học.

Theo những người chăn nuôi bò tại một số địa phương như Chư Sê, Đak Pơ… bò hơi không chỉ giảm giá mà còn khó bán. Ông Trịnh Duy Tâm-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Duy Tâm (làng Kueng Xí Nghiệp, xã Hbông, huyện Chư Sê) thông tin: Khoảng 3-4 tháng nay, giá bò hơi trên thị trường giảm, sức tiêu thụ cũng chậm hơn những năm trước. Nguyên nhân là do từ khi có dịch Covid-19, giá thức ăn tinh tăng cao, người nuôi bò giảm đàn và chuyển sang nuôi dê.

Còn ông Lê Quang Vịnh-Phó Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi Gia Lai-cho hay: Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm chỉ xuất bán được 5 con bò giống, còn lại phải chuyển sang nuôi bò thịt nhưng cũng ít người tìm đến mua. “Hiện nay, giá thịt bò ngoài chợ vẫn dao động ở mức 230-250 ngàn đồng/kg trong khi giá bò hơi lại thấp. Mong sao giá bò hơi sớm tăng trở lại để người chăn nuôi có lãi”-ông Vịnh nói.

Trao đổi với P.V, ông Võ Minh Quang-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-chia sẻ: Trước tình hình giá bò hơi giảm và khó tiêu thụ, Phòng đang phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động bà con chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò không vội bán mà chờ giá lên trở lại. Đồng thời, người dân tiếp tục nuôi bò để tận dụng nguồn phân bón cho cây trồng, thay thế dần các loại phân bón hóa học đang tăng cao, giúp giảm chi phí đầu tư.

 

 NGUYỄN DIỆP

 

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.