Duy trì sĩ số ở trường vùng khó: Giáo viên là điểm tựa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đứng chân ở xã khó khăn nhưng một số trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn duy trì sĩ số học sinh gắn với không ngừng nâng cao chất lượng dạy học. Điều này chứng minh cho sự nỗ lực và tận tâm của các thầy-cô giáo cũng như tinh thần hiếu học của học trò.
Cách làm hay
Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) có 329 học sinh, trong đó, bậc tiểu học 209 em, THCS 120 em. Thầy Nguyễn Văn Hào-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Đứng chân ở xã vùng III, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn khi 100% học sinh là dân tộc Bahnar, trong đó hơn 50% thuộc hộ nghèo. Gần như phụ huynh “khoán trắng” việc học của con em mình cho nhà trường.
Vào thời điểm mùa vụ, nhiều học sinh vắng học để giúp bố mẹ. Chưa kể, nhà trường có 10 lớp bậc tiểu học thì có đến 8 lớp ghép nên việc nâng cao chất lượng giáo dục là điều không dễ dàng. Trang-thiết bị dạy học thì thiếu, trường chưa kết nối internet do đường dây chưa được kéo về xã. Bao nhiêu thách thức, vậy nhưng 2 năm trở lại đây, tỷ lệ duy trì sĩ số của nhà trường luôn đạt 100%.
Nói về nguyên nhân, thầy Hào cho biết đó là nhờ tinh thần hiếu học của học sinh cũng như nỗ lực tuyên truyền, vận động của giáo viên và sự quan tâm sát sao của Đảng ủy, UBND xã. Thấy học sinh nào vắng học quá 2 buổi, giáo viên liền báo cho nhà trường để tổng hợp danh sách gửi UBND xã, từ đó có kế hoạch phối hợp vận động các em quay lại lớp học. Trường còn phân công mỗi giáo viên, cán bộ quản lý nhận đỡ đầu 1 em có hoàn cảnh khó khăn; kèm cặp, giúp đỡ những em học yếu.
Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được đẩy mạnh, một số giáo viên kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, mì tôm, đồng phục… cho học sinh. Từ năm 2019 đến nay, nhà trường đã vận động được số tiền và hiện vật trị giá trên 600 triệu đồng để hỗ trợ các em. Đặc biệt quan tâm đến học sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm đã nhiều lần vận động hỗ trợ đầu đĩa, ti vi, xe đạp, sách vở… với tổng giá trị hàng chục triệu đồng. 
Niềm vui của các em học sinh lớp 5 ghép Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) khi được cô giáo tổ chức sinh nhật. Ảnh: Phương Duyên
Niềm vui của các em học sinh lớp 5 ghép Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) khi được cô giáo tổ chức sinh nhật. Ảnh: Phương Duyên
Nhờ đó mà Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi không còn tình trạng học sinh bỏ học. Cuối học kỳ I vừa qua, nhà trường đã vận động thành công 1 học sinh lớp 8 có ý định tảo hôn. Biết em này định nghỉ học ở nhà bắt chồng, các giáo viên đã phối hợp với cán bộ UBND xã, Công an, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và trưởng thôn đến nhà vận động tiếp tục đi học. Học sinh này còn được tặng 1 chiếc xe đạp làm phương tiện đến trường. Hiểu tấm lòng thầy cô, em đã trở lại lớp học.
Một trong những giáo viên làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh là cô Nguyễn Thị Quýt. Với hàng chục năm trong nghề, cô Quýt hiểu rõ muốn thu hút học sinh tới trường thì giáo viên phải tâm huyết và thương yêu học trò như con mình.
“Em nào nghỉ 1 buổi là tôi đã đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh. Nhiều em nhà rất nghèo. Thấy các em thiếu cái ăn, cái mặc, tôi đều chia sẻ theo khả năng và vận động thêm; có em đau ốm, mình đưa đi bệnh viện. Ví dụ đầu năm học này, thấy em Đinh Văn Ty (lớp 4) nghỉ học, tôi đến thăm nhà thì mới biết em đang bị ốm. Mẹ em mất sớm, bố say xỉn suốt ngày, em đau nằm nhà mà không ai chăm sóc. Thấy cảnh ấy mà ứa nước mắt. Tôi liền đi mua sữa, bánh mì cho em ăn tạm, rồi mua thêm cho em chiếc áo ấm, đưa em đi khám và điều trị. Sau đó, em đi học lại đều đặn và chăm chỉ”-cô Quýt cho biết.
Để giúp học sinh tự giác và hứng thú hoàn thành bài tập về nhà, vào mỗi tiết sinh hoạt lớp dịp cuối tuần, cô Quýt giao cho ban cán sự lớp kiểm tra, bạn nào làm bài về nhà tốt nhất sẽ được cô thưởng hoa. Qua 1 tháng, với những em có nhiều hoa nhất, cô sẽ mua tặng món quà nhỏ như chiếc vòng, cài, kẹp tóc, bút, bộ đồ thể dục…
Yêu thích những giờ học của cô, các em đi học rất đều. Em Đinh Thị Xương (lớp 5 ghép) bày tỏ: “Em học cô 3 năm rồi. Em yêu quý cô lắm. Cô dạy nhiều điều hay và giúp em hiểu bài. Nhiều khi cô còn nấu chè, mang bánh kẹo lên tổ chức sinh nhật cho các bạn trong lớp”.
“Không có cô, em đã nghỉ học”
Trong khi đó, thầy và trò Trường THPT Anh Hùng Núp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) năm qua cũng nỗ lực duy trì sĩ số ở mức 99%. Thầy Nguyễn Ngọc Quản-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Toàn trường có 435 học sinh, trong đó, khoảng 50% là học sinh Bahnar và dân tộc thiểu số khác. Trước tình trạng một số em học yếu nên không ham học, phụ huynh thiếu sự quan tâm, có tâm lý ỷ lại vào nhà trường, Ban Giám hiệu và giáo viên thường xuyên tiếp cận với gia đình học sinh để động viên; giao cho những giáo viên có kinh nghiệm, hiểu biết về tập quán địa phương, sôi nổi trong hoạt động phong trào làm chủ nhiệm lớp...
Sáng dạy kiến thức chung, chiều trường tổ chức phụ đạo nhằm giúp các em củng cố kiến thức, để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Ngoài ra, thầy cô còn quan tâm định hướng, giáo dục nghề nghiệp cho các em…  Là xã vùng III nên nhiều học sinh cũng được hỗ trợ gạo, chi phí học tập theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Đây chính là động lực tiếp sức cho các em đến trường. Vài năm trở lại đây, nhà trường duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 100%; đồng thời, có nhiều học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi.
Cô Trần Thị Kim Phương (Trường THPT Anh Hùng Núp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) giúp em Đinh Thị Thi ôn tập môn Địa lý. Ảnh: Phương Duyên
Cô Trần Thị Kim Phương (Trường THPT Anh Hùng Núp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) giúp em Đinh Thị Thi ôn tập môn Địa lý. Ảnh: Phương Duyên
Về công tác tại Trường THPT Anh Hùng Núp mới 6 năm nhưng cô giáo Trần Thị Kim Phương đã có 3 năm liên tiếp được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen về thành tích huy động và duy trì sĩ số học sinh. Chia sẻ bí quyết duy trì sĩ số lớp học do mình chủ nhiệm luôn đạt 100%, cô Phương cho hay: Ngoài đầu tư để mỗi tiết dạy luôn sinh động, thu hút, cô luôn tìm cách rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò. Để làm được điều này, ngoài giờ dạy, cô sắp xếp thời gian đến thăm nhà học sinh, chuyện trò, tâm sự. Giờ ra chơi, giờ lao động cũng là lúc cô trò rủ rỉ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống. Cô còn kết bạn qua Facebook với học sinh nhằm nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em; khéo léo nhắc nhở để không lơ là việc học.
Nhắc đến một trường hợp khiến bản thân rất xúc động, cô Phương kể câu chuyện của em Đinh Thị Thi, khi đó là học sinh lớp 10. Thi là con đầu trong gia đình có 3 chị em, nhà rất nghèo. Ngoan ngoãn, có ý thức học tập tốt nhưng bỗng nhiên Thi bỏ học. Tìm hiểu ngọn ngành, cô Phương mới biết em nghỉ học để đi làm cỏ, trồng mía thuê… kiếm tiền phụ giúp gia đình. Rủ thêm học sinh trong lớp 3 lần đến nhà Thi phân tích, vận động, cuối cùng em đã đi học lại. Nhờ ham học, Thi có sự tiến bộ vượt bậc. Yêu thích môn Địa lý của cô Phương, Thi đạt điểm số 7,5 trong học kỳ I vừa qua.
Trò chuyện cùng chúng tôi, với đôi mắt hoe hoe đỏ vì xúc động, Thi bộc bạch: “Nếu cô Phương không đến vận động thì em đã nghỉ học rồi. Em mong muốn tiếp tục học tập để sau này làm giáo viên như cô”.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.