Được - mất khi vay ngân hàng trả nợ ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/9 mở rộng cá nhân vay mua nhà, mua xe được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác bên cạnh doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, lãi suất ngân hàng buộc phải hấp dẫn để cạnh tranh nhau nếu muốn hút khách hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Khách hàng được lợi?

Các tổ chức tín dụng bắt đầu vào cuộc đua tung gói lãi suất ưu đãi cho vay để hút khách. Vietcombank vừa thông báo triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm.

Người dân có dễ dàng vay vốn lãi suất thấp để đáo hạn?. Ảnh: Như Ý

Người dân có dễ dàng vay vốn lãi suất thấp để đáo hạn?. Ảnh: Như Ý

Khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.

Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.

BIDV đưa ra mức lãi suất 6%/năm. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại. Thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay. Thời hạn cho vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại tổ chức tín dụng khác.

Trước những thông tin này, nhiều khách hàng đang vay ngân hàng khác với lãi suất trên 10% vui mừng. Chị Nguyễn Diệu (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đang vay với lãi suất 11,5%/năm khi mua nhà. Tôi rất quan tâm gói vay lãi suất rẻ chỉ còn dưới 8% trong 2 năm. Trong khi đó, gói vay của tôi còn 5 năm nữa tất toán. Tôi chấp nhận bị phạt lãi trả sớm để chuyển sang ngân hàng khác vay. Điều này giúp áp lực trả lãi hằng tháng của tôi giảm bớt. Điều tôi quan tâm là thủ tục vay, tài sản thế chấp thế nào và giải ngân ra sao”.

Anh Nguyễn Hưng (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, anh đang phải oằn mình trả lãi vay thả nổi 13,5% cho khoản vay 1,5 tỷ đồng đầu tư bất động sản. “Nếu như trước đây tôi muốn đáo hạn khoản vay cũ để vay khoản vay mới với lãi suất thấp hơn thì phải vay bạn bè, người thân để tất toán khoản vay. Việc vay trả nợ ngân hàng khác khi dùng chính tài sản thế chấp là nhà ở thì thủ tục để giải chấp thế nào để sang thế chấp ngân hàng khác vay lãi suất thấp hơn là điều tôi quan tâm lúc này. Nếu thủ tục đơn giản sẽ tạo điều kiện cho những khách hàng như tôi”, anh Hưng nói.

Tuy nhiên, có khách hàng lo lắng phí phạt trả nợ ngân hàng sẽ tăng lên trong thời gian tới khi vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác. “Các ngân hàng đang để mức phí phạt trả sớm 2-3% số tiền trả nợ trước hạn. Thời gian tới, lãi phạt có khả năng tăng lên từ 4-5% hơn cả tiền chênh lệch lãi suất từ ngân hàng này sang ngân hàng khác”, chị Mai Linh (Long Biên, Hà Nội) nhận định.

Thúc tăng trưởng tín dụng

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 7 tháng năm 2023 mới đạt 4,29% khi định hướng năm nay 14-15%, nhiều ngân hàng sốt ruột tìm khách vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 5/9, đại diện Vietcombank cho biết, việc cho phép vay trả nợ tổ chức tín dụng khác theo Thông tư 06 thúc đẩy các ngân hàng đưa ra những gói lãi suất thấp hơn. Theo đó, khách hàng đang vay tổ chức tín dụng khác lãi suất cao và Vietcombank có lãi suất thấp hơn, khách hàng có thể lựa chọn. “Mục tiêu của Vietcombank là hỗ trợ người dân và mỗi ngân hàng có mức lãi suất khác nhau tùy thuộc vào khả năng huy động vốn giá rẻ để tạo ra mặt bằng lãi suất cho vay tốt hơn. Việc này góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tạo ra cho khách hàng có nhiều lựa chọn hơn và hỗ trợ người dân vay lãi suất thấp”, vị này nói.

Trước nhiều thắc mắc về tài sản thế chấp vay ngân hàng thế nào để trả nợ ngân hàng khác, vị này cho biết, các khách hàng đang thế chấp vay ngân hàng khác vẫn được thế chấp tại Vietcombank. Hồ sơ vay vốn vẫn phải thẩm định từ đầu về mục đích vay vốn, nguồn tiền trả nợ. Tuy nhiên, thủ tục vay sẽ rút gọn và đơn giản hóa để hỗ trợ người dân.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, Thông tư 06 cho vay để trả nợ ngân hàng khác đối với cá nhân tạo sẽ thuận lợi cho việc đảo nợ. Trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.

Với quy định mới, khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, có thêm cơ hội chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các ngân hàng khác (nếu có). Ý nghĩa của sự nới lỏng này là cho phép lựa chọn ngân hàng có lãi vay tốt hơn còn thời hạn trả khoản vay vẫn không đổi. “Những quy định mới hiện có thể chưa đáp ứng kỳ vọng của số đông, nhưng ít nhất khách hàng cá nhân đã có thêm lựa chọn để tự quyết định”, ông Độ nói.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước đã giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới còn neo ở mức cao, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình, gói tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng vay. Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3% tùy đối tượng khách hàng đối với khoản vay mới.

“Các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-2,5% trong 6 tháng cuối năm 2023, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực. Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 3/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,44 triệu tỷ đồng, tăng 4,29% so với cuối năm 2022, tăng 8,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước.

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

(GLO)- Tại công văn lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế này đến hết năm 2030, thay vì kết thúc vào ngày 31-12-2025 như quy định hiện hành.