Đức Cơ: Hỗ trợ sinh kế giúp phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bằng việc quan tâm, hỗ trợ sinh kế, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã giúp nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có thêm động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Gia đình chị Hoàng Thị Trâm (tổ dân phố 7, thị trấn Chư Ty) thuộc hộ cận nghèo của thị trấn Chư Ty. Năm 2021, gia đình chị được Hội LHPN thị trấn Chư Ty hỗ trợ 3 con dê giống sinh sản, trị giá 9 triệu đồng. Nhờ nuôi dê mà kinh tế gia đình chị Trâm dần được cải thiện. “Bước đầu, do chưa có kiến thức, kinh nghiệm nên việc chăn nuôi khá vất vả. Khi dê có các biểu hiện lạ, mình luống cuống vì không biết cách xử lý. Bây giờ thì ổn rồi. Con nào chán ăn, bỏ ăn, vì sao? Con nào bị bệnh gì,... mình đều biết và xử lý kịp thời”-chị Trâm cho hay. Đến nay, đàn dê nhà chị Trâm đã tăng lên 12 con, chị dự định sẽ mua thêm dê để mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Chị Hoàng Thị Trâm bên đàn dê của gia đình. Ảnh: Anh Huy

Chị Hoàng Thị Trâm bên đàn dê của gia đình. Ảnh: Anh Huy

Từ sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân, năm 2023, Hội LHPN thị trấn Chư Ty đã hỗ trợ gia đình bà Lê Thị Liễu (hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở tổ dân phố 3) 4 con dê sinh sản, gồm 3 con dê đực, 1 con dê cái. Nhận thấy chi phí nuôi dê thấp, thức ăn dễ tìm kiếm nên bà đã vay vốn Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng mua thêm 20 con dê. Đồng thời cải tạo diện tích đất sau vườn trồng rau xanh và trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Bà Liễu phấn khởi: “3 con dê mà Hội hỗ trợ cho gia đình đều đã mang thai. Tôi thấy dê là vật dễ nuôi, không tốn nhiều công chăm sóc, lại dễ bán ngoài thị trường, vì vậy dự định sẽ mua thêm con giống để tăng đàn”.

Bà Cao Thị Hoa (tổ dân phố 3) bộc bạch: “Tôi sống một mình, không có đất đai để canh tác. Nguồn thu chủ yếu dựa vào chăn nuôi con gà, con vịt, rồi làm thuê nhưng cũng không được bao nhiêu. Nhờ sự quan tâm của Hội, năm 2023, tôi được hỗ trợ 4 con dê (3 con cái, 1 con đực). Tôi làm chuồng nuôi nhốt, chăm sóc theo đúng hướng dẫn và 2 con dê sắp sinh sản. Tôi cảm ơn các cấp, các ngành đã giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Bà Cao Thị Hoa phấn khởi khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn quan tâm, hỗ trợ sinh kế. Ảnh: Thanh Tịnh

Bà Cao Thị Hoa phấn khởi khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn quan tâm, hỗ trợ sinh kế. Ảnh: Thanh Tịnh

Trao đổi với P.V, bà Bùi Thị Thùy Trang-Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Chư Ty cho biết: Để có thêm nguồn lực hỗ trợ hội viên nghèo, cận nghèo trên địa bàn, Hội đã kêu gọi các Mạnh Thường Quân cùng chung tay. Trên cơ sở các nguồn vận động, từ năm 2021 đến nay, Hội đã mua và cấp 43 con dê giống với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng giúp hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. Nhằm phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ sinh kế, Hội đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Cơ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh cho dê; cấp phát tài liệu hướng dẫn; thường xuyên phối hợp với cán bộ thú y cấp phát thuốc phun khử chuồng trại tại các khu vực chăn nuôi. Nhờ vậy, đàn dê của các hộ phát triển khỏe mạnh, đến nay đã sinh sản thêm 22 con.

Phó Chủ tịch Hội LHPN nữ thị trấn Chư Ty thông tin: toàn Hội có 954 hội viên, trong đó còn 85 hội viên nghèo, cận nghèo. Thời gian tới, Hội tiếp tục quan tâm, hướng dẫn các hộ được nhận mô hình sinh kế trong việc chăm sóc, phát triển đàn dê; tổ chức các đợt tham quan để hội viên có cơ hội giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình. Tiếp tục huy động các nguồn lực để trao sinh kế, tạo điều kiện cho hội viên nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tăng thu nhập, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương.

ANH HUY-THANH TỊNH

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.