(GLO)- Đó là phát biểu của ông Jia Duqiang, Phó giáo sư Viện Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc trên China Daily, nhân sự kiện này. Nhiều hãng thông tấn, báo chí khác trên thế giới cũng nhận định chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngoài chào mừng thành công Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, chào mừng ông Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, còn làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa 2 Đảng, 2 nước trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫy chào đại biểu Trung Quốc và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ra đón tại Sân bay quốc tế Bắc Kinh. Ảnh: TTXVN |
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, chiều ngày 30-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng ta đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay Bắc Kinh có đồng chí Lưu Kiến Siêu-Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, cùng một số cán bộ Đại sứ quán tại Trung Quốc.
Về chuyến thăm này, trả lời TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhận định chuyến thăm sẽ củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, góp phần đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới.
"Trong tình hình hiện nay, việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phù hợp lợi ích căn bản, lâu dài của hai bên, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở khu vực và trên thế giới", ông Mai cho biết.
Ông Lưu Kiến Siêu (bên phải), Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Sân bay quốc tế Bắc Kinh. Ảnh: TTXVN |
Tương tự, TS Nguyễn Thành Trung-Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam-nhận định: “Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, sự gắn kết giữa hai nước có cùng ý thức hệ được kỳ vọng sẽ tạo sự ổn định cho khu vực, mở đường cho hợp tác sâu hơn không chỉ giữa hai Đảng.
Ông Jia Duqiang-Phó giáo sư Viện Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhìn nhận chuyến thăm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong quan hệ 2 đảng, 2 lãnh đạo và nhân dân 2 nước trong bối cảnh Trung Quốc vừa tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XX thành công, ca ngợi thành tựu to lớn trong nhiệm kỳ qua cũng như xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể, lớn lao trong nhiệm kỳ tới, trong “trăm năm” tới.
Phó Giáo sư Jia Duqiang nói rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo cơ hội để lãnh đạo đảng hai nước trao đổi sâu về nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và khu vực châu Á. Bắc Kinh coi quan hệ Việt Nam-Trung Quốc có tầm quan trọng chiến lược và luôn sẵn sàng hợp tác để đưa quan hệ đó đi vào chiều sâu và phát triển vượt bậc trong thời đại mới.
Ở một phương diện khác, ông Xu Liping, nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội ở Bắc Kinh, nhận định: Sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, quản lý tranh chấp, ổn định khu vực và hợp tác trong chuỗi cung ứng và sản xuất được kỳ vọng là những nội dung chính trong chương trình nghị sự.
Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda ở Tokyo (Nhật Bản) Kalvin Fung Ka-shing cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện "tình đoàn kết và mối quan hệ tư tưởng"- điều giúp hai nước vượt qua những tồn tại.
Chuyến thăm thể hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển khu vực và thế giới.
Mặt khác, chuyến thăm thể hiện sự ủng hộ đối với tư tưởng và đường lối phát triển của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc; vị trí “hạt nhân lãnh đạo” của Tổng bí thư Tập Cận Bình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc; thúc đẩy chính sách của Trung Quốc về hữu nghị, hợp tác với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam.
TS (từ TTXVN online, Nhân dân online, Thanh niên online)