Tiền trong tài khoản bốc hơi; dụ đầu tư rồi cuỗm tiền của khách hàng chạy mất; cạm bẫy sau những số điện thoại lạ xuyên quốc gia...; hàng loạt thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng vẫn khiến nhiều người mất tiền.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo lấy trộm thông tin tài khoản, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhấp chuột link lạ, tiền trong tài khoản bốc hơi
VNPT cũng vừa phát đi cảnh báo tới người dùng viễn thông về việc xuất hiện nhiều cuộc gọi là từ đầu số nước ngoài để lừa đảo, câu kéo cước điện thoại quốc tế. Theo nhà mạng, thời gian vừa qua, VNPT đã tiếp nhận nhiều phản ánh của khách hàng về việc nhận được các cuộc gọi từ các đầu số nước ngoài như từ Moldova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240) hay Burkina Faso (+226). VNPT cho rằng, thực chất đây là các cuộc gọi nhá máy từ thuê bao nước ngoài đến thuê bao, bao gồm cả cuộc gọi nhá máy từ các ứng dụng OTT nhằm mục đích lôi kéo lừa đảo khách hàng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn... và cảnh báo mọi người cảnh giác. |
Sáng qua (6.2), Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) đã làm việc với bà H.T.Đ.Trang (Q.7, TP.HCM, kinh doanh ba lô, túi xách) và NH TMCP Đầu tư phát triển VN (BIDV) về vụ việc 54 triệu đồng trong tài khoản bà Trang bị “bốc hơi” trong vài phút. Cụ thể, chiều 30.1, bà Trang nhận được điện thoại qua Zalo từ một người đàn ông đặt mua 300 chiếc ba lô và người này cho hay đang ở Anh nên sẽ chuyển trước 15 triệu đồng tiền đặt cọc. Bà Trang cung cấp số tài khoản mở tại Eximbank - Phòng giao dịch Phú Mỹ và số điện thoại để vị khách trên liên lạc. Sau đó, người này nhắn tin với đường link http://westernunion-vn24.herokuapp.com cho bà Trang, yêu cầu bà nhấn vào làm thủ tục, đăng nhập tài khoản banking “để hệ thống NH xác nhận quy đổi USD sang VND” và “Em tranh thủ thao tác luôn tránh gián đoạn lỗi giao dịch của anh”. Làm theo hướng dẫn của khách hàng, điện thoại bà Trang nhận về tin nhắn từ NH báo tài khoản đã bị chuyển đi 36 triệu đồng. Chưa dừng lại, một tài khoản khác của bà mở tại Eximbank Thanh Đa cũng bị “bốc hơi” 18 triệu đồng. Điện lại vị khách trên thì máy đã bị khóa, bà Trang vội vàng báo cho NH để tạm khóa tài khoản. Qua xác minh ban đầu, số tiền trong tài khoản bà Trang được chuyển vào tài khoản một người tên Tran Ngoc Toan mở tại BIDV và số tiền này đã được rút ra chỉ vài phút sau đó.
Trước đó, ngày mùng 4 tết (28.1), một số chủ thẻ Visa Vietcombank tá hỏa khi nhận được tin nhắn từ tổng đài nhà băng thông báo thẻ đang được sử dụng giao dịch ở nước ngoài. Dù đã thông báo cho phía NH đóng thẻ nhưng chủ thẻ vẫn nhận được những tin báo giao dịch không thành công. Điều này cho thấy, tội phạm vẫn cố gắng thực hiện các giao dịch với những thông tin thẻ bị lộ.
Một số kẻ lại lợi dụng tâm lý hoang mang với dịch nCoV để lừa đảo. Chiều 5.2, thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An, đơn vị vừa phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ Hồ Thị Thùy (sinh năm 1996, trú tại xã Ngọc Sơn, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước tình hình “cháy” hàng khẩu trang y tế trong đợt phòng chống dịch nCoV, bà Thùy (kinh doanh bán quần áo trên mạng xã hội với tên Facebook Thùy Phương, nick Facebook này mua lại trên mạng với giá 50.000 đồng) đã rao bán khẩu trang y tế với giá 30.000 đồng/hộp. Sau khi đăng bài, hàng trăm người đã vào hỏi mua hàng và bà Thùy yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước. Tuy nhiên ngay khi nhận được tiền, bà Thùy đã đóng Facebook, tắt điện thoại nên những khách hàng này đã báo cơ quan công an. Bà Thùy khai đã nhận 60 triệu đồng tiền mua khẩu trang của khoảng 10 người.
Dụ đầu tư rồi “lặn mất tăm”
Đầu tư đa cấp không phải là chuyện mới nhưng đang được chuyển về các vùng quê sau nhiều vụ bị phá vỡ ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội. Dịp tết vừa qua, bà Đ.B.Thuận ngụ tại xã Tản Lĩnh, H.Ba Vì, TP.Hà Nội đã có một cái tết vui không trọn vẹn khi bị lừa mất một khoản tiền đầu tư. Bà Thuận kể, giữa năm 2019, một đoàn khách của Công ty cổ phần WinLife Group đăng ký tới tham quan Hồ Tiên Sa (H.Ba Vì, Hà Nội), trong đó một người tự xưng là nhân viên công ty giới thiệu đây là tập đoàn chuyên kinh doanh cà phê, có nhiều năm kinh nghiệm, trụ sở chính tại TP.HCM và có chi nhánh khu vực phía bắc. Vị này rủ bà Thuận tham gia hợp tác đầu tư vào công ty bằng cách góp vốn theo nhiều gói hợp đồng, tương đương giá trị tiền mặt từ 12,5 triệu đồng tới 3,2 tỉ đồng/gói. Mỗi tháng, WinLife sẽ trả cho khách hàng lãi bằng tiền mặt, phần trăm tương ứng với quyền lợi của từng gói hợp đồng, cộng với số tiền quy đổi, trả bằng sản phẩm công ty đang kinh doanh bao gồm cà phê và nhiều loại thực phẩm chức năng. Nghe giống mô hình đa cấp lừa đảo, bà Thuận có vẻ nghi ngại nhưng sau đó bị nhân viên công ty thuyết phục. Sẵn có một khoản tiền nhỏ chưa có kế hoạch sử dụng nên bà Thuận đồng ý đầu tư gói 25 triệu đồng. Theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa 2 bên, mỗi tháng công ty sẽ trả lãi cho bà Thuận bằng 10% giá trị gói đầu tư trong 10 tháng, 5% mỗi tháng trong 4 tháng tiếp theo (chi trả 15 ngày 1 lần) và đối ứng sản phẩm miễn phí 3% mỗi tháng trong vòng 25 tháng (chi trả mỗi tháng 1 lần). Trong khoảng 4 tháng đầu tiên, mỗi tháng bà Thuận nhận được khoản tiền lãi là 1,25 triệu đồng cùng số cà phê tương ứng với 700.000 đồng. Tuy nhiên, đến tháng thứ 5 (cuối tháng 12.2019) không thấy thanh toán tiền, bà Thuận liên hệ lại thì nhân viên này đã “lặn mất tăm”.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Công ty cổ phần WinLife Group có địa chỉ tại Q.Tân Bình, TP.HCM. Đại lý phụ trách của công ty có địa chỉ Phú Thọ, Hà Nội, đại diện là bà Nguyễn Thị Thịnh. Theo số điện thoại trong hợp đồng, PV Thanh Niên đã liên hệ với bà Thịnh. Bà Thịnh nghe máy và xác nhận tên Nguyễn Thị Thịnh, làm việc tại WinLife, nhưng sau khi PV trình bày câu chuyện và yêu cầu được trả nốt số tiền theo hợp đồng, bà này nói “nhầm máy” và lập tức cúp máy, không liên hệ lại được.
Thanh Xuân (Thanh Niên)