Đồng phạm của Nguyễn Thái Luyện: Xin lại tiền... trả cho mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong vụ lừa đảo, rửa tiền tại Công ty CP Địa ốc Alibaba, nhiều người cay đắng thừa nhận vừa là bị cáo vừa là nạn nhân của các dự án "ma" do Nguyễn Thái Luyện, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty này, "vẽ" ra.
Trưa 10-12, các luật sư tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ lừa đảo, rửa tiền tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba)
Trả lời luật sư bào chữa, Vũ Hoàng Hải (cựu Giám đốc Công ty CP Bất động sản BigBag - công ty con của Alibaba) cho biết trong quá trình làm việc, thấy nhiều khách hàng và các nhân viên trong công ty đầu tư nên bị cáo cũng gom góp tiền mua dự án của Nguyễn Thái Luyện dù không rõ về vấn đề pháp lý.
 
Nguyễn Thái Luyện(bìa phải) và các đồng phạm.
Nguyễn Thái Luyện(bìa phải) và các đồng phạm.
Tổng cộng, Hải mua 5 lô đất với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng. Đây là số tiền mà Hải tích cóp trong suốt 10 năm đi làm cùng với tiền vay mượn gia đình. Gần nhất, vào tháng 6-2019, Hải có nhờ mẹ đi cầm cố lô đất ở quê để lấy 100 triệu đầu tư 2 lô đất trong dự án của Luyện.
Gần 3 tháng sau, vụ án bị khởi tố, Hải đã giao nộp 5 lô đất đó cho cơ quan chức năng, trong khi mẹ bị cáo ở quê phải gòng gánh trả tiền lãi ngân hàng. Do đó, Hải xin HĐXX xem xét để lấy lại số tiền này đưa cho mẹ trả nợ ngân hàng.
Bị cáo Nguyễn Trung Trường (cựu Giám đốc Công ty CP Địa ốc Long Thành Capital - công ty con của Alibaba) nói rằng vì tin tưởng những lô đất trong dự án của Nguyễn Thái Luyện sẽ "ra sổ" được nên tham gia đầu tư, chứ không nghĩ những hợp đồng đã ký là trái pháp luật dẫn đến bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bản thân Trường và vợ đã đầu tư tổng cộng 9 lô đất trong các dự án của Luyện với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng. Trường cho biết các lô đất của mình chưa sinh lời thì đã bị bắt.
Trước số tiền thiệt hại của gần 4.500 khách hàng lên tới hơn 2.200 tỉ đồng, luật sư hỏi Nguyễn Thái Luyện: Nếu khách hàng yêu cầu chi trả tiền hoặc đất thì bị cáo có trả không?
Luyện cho rằng thậm chí bây giờ khách hàng đồng loạt muốn lấy lại tiền, công ty chỉ việc thanh lý các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này thì đảm bảo có khả năng chi trả.
Bổ nhiệm người đứng đầu bộ phận pháp lý vì thấy... thật thà
Khai trước toà, Nguyễn Thái Luyện nói dù không biết trình độ chuyên môn của Trang Chí Linh nhưng vẫn bổ nhiệm người này đứng đầu bộ phận phụ trách pháp lý của Công ty Alibaba. Tuy nhiên, Luyện nói rằng trên thực tế đây chỉ là "vỏ ngoài". "Khi bổ nhiệm Trang Chí Linh với vai trò phó tổng, vì Linh thật thà nên tôi tin tưởng. Còn vấn đề pháp lý do tôi hoạch định" - Luyện khai.
Luật sư hỏi: "Vậy phòng pháp chế do một người không am hiểu pháp luật điều hành thì liệu hoạch định các chiến lược của công ty có đúng pháp luật không?".
Luyện đáp: "Tôi bảo đảm là đúng vì tôi là người trực tiếp làm. Tôi giải thích thêm là khi làm các dự án liên quan tới luật thì Trang Chí Linh làm theo yêu cầu của tôi - hỏi ý kiến của các văn phòng luật sư có hợp tác với công ty. Sau khi tham vấn ý kiến này, Linh sẽ tổng hợp lại cho tôi. Tôi là người quyết định, Linh không hề có tư vấn gì".
Theo Trần Thái (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm