Đông Nam Bộ, Tây Nguyên: Diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện diện tích trồng sầu riêng cả nước ước đạt 110.000ha, tăng hơn 24% mỗi năm. Đây là tỷ lệ tăng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực hiện nay.
Ông Trần Văn Sống tại xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) kiểm tra trái sầu riêng. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Ông Trần Văn Sống tại xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) kiểm tra trái sầu riêng. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên cây sầu riêng nhanh chóng mở rộng diện tích sau khi loại trái cây này được Trung Quốc duyệt đưa vào danh sách nhập khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, để trái sầu riêng phát triển bền vững, người trồng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, cũng như việc truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng thế giới.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện diện tích trồng sầu riêng cả nước ước đạt 110.000ha, tăng hơn 24% mỗi năm, là tỷ lệ tăng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực hiện nay.

Diện tích cho thu hoạch 54.400ha, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng 849.100 tấn, trồng tập trung tại 4 vùng.

Vùng Tây Nguyên có diện tích sầu riêng lớn nhất với 51.400ha, sản lượng 336.400 tấn, so với cả nước bằng 46,7% diện tích và 39,6% sản lượng.

Đứng thứ hai là vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 33.000ha, sản lượng 372.000 tấn, so với cả nước bằng 29,9% diện tích và 43,8% sản lượng.

Thứ ba là vùng Đông Nam Bộ có diện tích 20.800ha, sản lượng 122.900 tấn, so với cả nước bằng 18,9% diện tích và 14,5% sản lượng.

Thứ 4 là vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích 5.000ha, sản lượng 17.800 tấn, so với cả nước bằng 4,2 % diện tích và 2,1% sản lượng.

Lý giải cho sự tăng trưởng diện tích sầu riêng chóng mặt này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Intimex Group chia sẻ với bất kỳ loại nông sản nào mang lại lợi nhuận kinh tế cao, nông dân có quyền lựa chọn.

Hiện các loại nông sản như càphê, tiêu cho lợi nhuận từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/ha/năm, cây sầu riêng cho lợi nhuận 2 tỷ đồng/ha/năm.

Với sự chênh lệch lợi nhuận rõ ràng như vậy, việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang loại cây hiệu quả kinh tế cao là đương nhiên. Vì vậy, diện tích sầu riêng tăng "chóng mặt" trong hơn 2 năm qua là không thể tránh khỏi. Tất nhiên khi chuyển đổi, nông dân cũng phải tìm mối liên kết thu mua mới có thể đạt được lợi nhuận cao.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả khó lường là cung vượt quá cầu.

Nghiêm trọng hơn, nếu diện tích tăng lại nằm trong vùng không phù hợp như nhiễm mặn, phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.

Sầu riêng tới kỳ thu hoạch trong vườn của gia đình ông Trần Văn Sống tại xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang). (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Sầu riêng tới kỳ thu hoạch trong vườn của gia đình ông Trần Văn Sống tại xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang). (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín sản phẩm của hàng Việt nói chung. Do đó, thời điểm đầu năm, Cục Trồng trọt đã gửi thông báo tới các địa phương để cảnh báo về việc phát triển "nóng" cây sầu riêng.

Đối với khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây sầu riêng, việc mở rộng chỉ cần các yếu tố giống, kỹ thuật chăm sóc phù hợp, là nông dân đã thành công với loại trái cây này. Nhưng với những khu vực thổ nhưỡng không phù hợp, thì việc trồng sầu riêng là rủi ro lớn khi người dân tự ý mở rộng diện tích.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, kiêm Phó Chủ tịch Hội Làm Vườn Việt Nam chia sẻ cây sầu riêng hiện đang mang lại nhiều cơ hội làm giàu cho nông dân. Thế nhưng, nông dân sẽ đối mặt rủi ro nếu thiếu kỹ năng về trồng trọt và chăm sóc, canh tác.

Nếu chuyển đổi đất lúa sang trồng sầu riêng, hoặc đất sét nặng, nhiễm phèn trồng sầu riêng thì không cho hiệu quả cao như mong muốn. Đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín trái sầu riêng ở những khu vực đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Một số khu vực trồng sầu riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thiết kế mương liếp, trồng cây chưa đạt như đắp mô trồng còn thấp so với mặt liếp, mương hẹp và cạn, mực nước trong mương vườn khá cao, thoát nước kém vào mùa mưa và trữ không đủ nước tưới cho mùa khô.

Chính vì vậy, muốn mở rộng diện tích sầu riêng, nông dân phải tìm hiểu kỹ về điều kiện trồng như: đất, khí hậu, lượng nước cần tưới, kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt nhất là giống chất lượng cao, cho năng suất cao, từ đó mang lại giá trị kinh tế cao.

Là địa phương có diện tích sầu riêng lớn khu vực Đông Nam Bộ, cũng là địa phương có sản lượng lớn sầu riêng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, tỉnh Đồng Nai hiện có 6 cơ sở đóng gói và 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích trên 820 ha, sản lượng khoảng 20.000 tấn được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh đã hoàn thiện 61 hồ sơ vùng trồng với diện tích gần 1.800 ha và 4 cơ sở đóng gói sầu riêng gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số.

Chứng nhận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói của thị trường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam là cơ sở, tiền đề đảm bảo việc xuất khẩu sầu riêng chính thức, ổn định bền vững; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp mang lợi ích cho người nông dân trồng sầu riêng cả nước nói chung.

Tuy nhiên, theo ông Võ văn Phi, để cây sầu riêng phát triển ổn định, trái sầu riêng Việt Nam luôn được ưu tiên lựa chọn, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sầu riêng cần có một mối liên kết chặt chẽ trong các khâu kho bảo quản; kho lạnh; chế biến; đa dạng hóa hình thức xuất khẩu không chỉ nguyên trái tươi... Từ đó trái sầu riêng mới không phụ thuộc vào một thị trường hay chỉ phụ thuộc vào một hình thức xuất khẩu tươi như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Giá cà phê arabica cao hơn robusta 2.000 USD/tấn, vì sao?

Giá cà phê arabica cao hơn robusta 2.000 USD/tấn, vì sao?

Người trồng cà phê như được tặng quà Giáng sinh khi ngay trong phiên giao dịch đêm 24.12, giá cà phê đồng loạt tăng trên cả 2 sàn London và New York, kéo thị trường nội địa tăng theo. Tuy nhiên hiện nay, giá cà phê arabica đang nới rộng khoảng cách với robusta, vì sao?

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.