Đồng hành cùng bệnh nhân vượt qua cú sốc đột quỵ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau cơn tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhiều bệnh nhân tuy may mắn vượt qua cửa tử nhưng đối diện với các di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Họ rất cần sự đồng hành của các y, bác sĩ và gia đình để vượt qua cú sốc đột qụy.

Suy giảm sức khỏe vì đột quỵ

Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai hiện đang tiếp nhận trị liệu, phục hồi chức năng cho gần 200 bệnh nhân; trong đó hơn 50% là bệnh nhân đột quỵ, tai biến. Hầu hết các bệnh nhân bị di chứng liệt nửa người, gặp các vấn đề về thăng bằng hay gặp khó khăn trong vận động, co rút chân tay, đau đầu, chóng mặt và nhiều di chứng khác…

z5969578593245-900530018714678c527e8bddda159c84.jpg
Đồng hành cùng bệnh nhân vượt qua cú sốc đột quỵ không chỉ chăm sóc sức khỏe thể chất mà còn chăm sóc về mặc tinh thần, giúp bệnh nhân an tâm, lạc quan, tin tưởng vào kết quả điều trị là hết sức quan trọng. Ảnh: Như Nguyện

Anh Nguyễn Văn Nam (tổ 8, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chia sẻ: 4 năm trước, tôi bị tắc nghẽn mạch máu não gây tai biến và sau đó bị di chứng liệt nửa người. Đến nay tôi vẫn đang tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh. Hiện tôi đã đi lại được nhưng chưa vững vàng và đang tiếp tục tập luyện.

“Trải qua cơn tai biến, không chỉ sức khỏe thể chất của tôi bị suy giảm mà sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng nhiều. Tôi may mắn có sự đồng hành của gia đình và sự hỗ trợ của các y, bác sĩ giúp tôi vượt qua cú sốc bệnh tật”-anh Nam bộc bạch.

Cơn đột quỵ 2 tháng trước khiến ông Nguyễn Văn Luật (SN 1960, làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) từ một người khỏe mạnh, tháo vát bị di chứng liệt nửa người, không thể đi lại được. Với nghị lực phi thường, chỉ sau hai tháng kiên trì tập luyện vật lý trị liệu theo hướng dẫn của các bác sĩ, ông Luật đã có thể đi lại và tự chăm sóc, sinh hoạt cá nhân.

Ông Luật cho hay: Sau khi trị liệu bằng phương pháp tây y thì tôi chuyển sang vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh. Với sự hỗ trợ, đồng hành của các y, bác sĩ và sự kiên trì tập luyện, mức độ hồi phục của tôi khá nhanh chóng. Từ nằm liệt một chỗ, hiện nay tôi đã có thể đi lại được.

z5992730938045-599aa2fd98451fe4c7b12064414ae9a1.jpg
Ông Nguyễn Văn Luật (SN 1960, làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) kiên trì tập luyện và đã đi lại được sau 2 tháng bị đột quỵ. Ảnh: Như Nguyện

Không may mắn như ông Luật, nhiều bệnh nhân sau cơn đột quỵ đã không thể vượt qua cú sốc này. Ngoài di chứng về sức khỏe, người bệnh còn có những thay đổi nhất định trong cảm xúc, tâm lý. Trong đó, nhiều bệnh nhân bị trầm cảm, lo lắng sau cú sốc đột quỵ, tai biến và rất cần sự chia sẻ, cảm thông của gia đình, người thân, sự đồng hành của đội ngũ y tế để giúp bệnh nhân sớm phục hồi.

Chia sẻ cùng người bệnh

Bác sĩ Rơ Mah Lỡ-Khoa Vật lý trị liệu (Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh) cho biết: Bệnh nhân đột quỵ sau khi trải qua cơn nguy kịch có thể để lại một số di chứng làm ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Việc người bệnh có phục hồi được hay không còn phụ thuộc vào mức độ các loại biến chứng. Trong số các di chứng thường là liệt với các mức độ khác nhau. Vì vậy, bệnh nhân cần phải tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả cao. Tùy theo mức độ di chứng mà thời gian tập luyện để hồi phục cũng khác nhau.

Theo bác sĩ Lỡ, ngoài vấn đề về sức khỏe, nhiều bệnh nhân còn gặp vấn đề về tinh thần. Họ cảm thấy chán nản, bi quan, tuyệt vọng vì từ một người mạnh khỏe trở nên liệt yếu, không thể đi lại, sinh hoạt cá nhân, phụ thuộc vào người khác. “Ngoài hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân trong quá trình vật lý trị liệu, phục hồi chức năng thì chúng tôi còn động viên, quan tâm về mặt tinh thần để giúp bệnh nhân dần lấy lại sự tự tin và vượt qua cú sốc đột quỵ”- bác sĩ Lỡ nhấn mạnh.

z5992730959546-6c9184f3f284c27623c0fc28ffdd9da5.jpg
Bác sĩ Bùi Thị Hồng Thương thăm hỏi bệnh nhân Siu Boen. Ảnh: Như Nguyện

Chị Siu Boen (SN 1978, làng Ó Kly, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) tâm sự: 8 tháng trước, tôi bị tai biến. Sau tai biến, tôi bị liệt nửa người bên trái, sức khỏe giảm sút, tinh thần sa sút. “Vào viện được các bác sĩ quan tâm, động viên về tinh thần, hỗ trợ điều trị giúp tôi dần hồi phục sức khỏe. Hiện nay, tôi đã đi lại được và rất biết ơn các bác sĩ đã tận tình chăm sóc, giúp tôi vượt qua bệnh tật”-chị Boen thổ lộ.

Đồng hành cùng bệnh nhân vượt qua cú sốc đột quỵ không chỉ là việc chăm sóc sức khỏe thể chất mà còn chăm sóc về mặc tinh thần, giúp bệnh nhân an tâm, lạc quan, tin tưởng vào kết quả điều trị là hết sức quan trọng.

Bác sĩ CKI Bùi Thị Hồng Thương-Khoa Chăm sóc bệnh nhân nặng (Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh) thông tin: Song song với phương pháp vật lý trị liệu-phục hồi chức năng thì chúng tôi còn kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác giúp bệnh nhân bị di chứng sau đột quỵ đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung chăm sóc về mặt tinh thần để bệnh nhân hợp tác điều trị, không rơi vào tình trạng chán nản, bi quan, buông xuôi. Với trường hợp bệnh nhân khó khăn, tổ công tác xã hội của bệnh viện sẽ vận động các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí để bệnh nhân có thêm điều kiện điều trị bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.