Đồng đội cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối năm 2018, sau cơn bạo bệnh, nhà văn Trung Trung Đỉnh từ Hà Nội nhắn tôi rằng: Lần này anh ấy vào Gia Lai, tôi nhất định phải đưa anh đến gặp người đồng đội cũ mà từ ngày giải phóng đến giờ chưa có dịp ghé thăm. 
Đó là gia đình anh chị Nguyễn Hữu Thung-Nguyễn Thị Hoa (xã Song An, thị xã An Khê). Không khó khăn gì, chỉ chừng vài chục phút từ trung tâm thị xã An Khê, nhóm anh em "cựu kháng chiến" chúng tôi đã có mặt nhà anh chị. Chỉ cần lướt qua các gương mặt, chị Hoa đã nhanh chóng "điểm danh" từng người. Chị ôm chầm lấy anh Trung Trung Đỉnh: "Em đi đâu mà biệt tăm từ bấy đến giờ?". Như một lời trách, nhưng thật ra chị Hoa vẫn loáng thoáng biết anh Trung Trung Đỉnh giờ đã nghỉ hưu, là đại tá, là nhà văn nổi tiếng ở Thủ đô.
Anh Trung Trung Đỉnh xa đơn vị, xa anh chị em Huyện đội An Khê chúng tôi từ khi anh bị thương nặng vào năm 1970. Khi ấy, chị Hoa là nuôi quân, anh Thung là Tiểu đội trưởng. Trong một trận đánh, tiểu đội anh Thung bị tổn thất nặng, anh bị thương và rơi vào tay giặc. Đi qua các nhà lao, chịu bao đòn tra tấn dã man của địch, anh trở về theo diện trao trả sau Hiệp định Paris 1973. Chỉ lên tấm ảnh trên bàn thờ, chị Hoa bảo anh mất đã mấy năm. “Những vết thương hành hạ anh vào những ngày trái gió trở trời, rồi anh ra đi ở tuổi ngoài 60”-chị Hoa ngậm ngùi. Khi ấy, hình ảnh anh Thung hiện về trong tôi mồn một.
Sau các đợt công tác, chiến đấu ở phía trước, lẽ ra khi về phía sau, anh Thung cũng như mọi đồng đội, được nghỉ ngơi. Nhưng anh luôn giúp chị, cũng là giúp đơn vị trong việc bếp núc. Khi thì lấy củi, gùi nước, lúc lại ra rừng hái măng, lên rẫy nhổ mì.
Anh rất khéo tay, từ những mảnh vỏ bom napal bằng nhôm của Mỹ còn sót lại sau những trận máy bay của chúng ném xuống, anh có thể “biến” thành chén, vá, muỗng, xoong nồi để dùng vào việc đun nấu. Đặc biệt là trâm, lược cài tóc cho phụ nữ. Hơn thế, với những mảnh nhôm vụn không thể “chế tạo” ra đồ dùng sinh hoạt được nữa, anh đun chảy rồi đúc thành những chiếc móc võng xinh xắn cho anh em trong đơn vị. Khi ấy, chú lính trẻ là tôi thường được anh tặng cho những thứ đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như thế.
Tôi còn nhớ, khi đơn vị K8 (An Khê) thiếu gạo trầm trọng, bữa ăn hằng ngày chỉ có củ mì, hết mì ghé cơm đến mì luộc, mì chà nhuyễn nấu với các loại rau rừng... Anh Thung cùng với anh Nhị nghĩ ra cách chế biến mì theo kiểu của dân xứ nẫu: mì tươi đem ngâm nước cho mềm, chà lấy bột tráng thành như bánh tráng gạo.
Để làm được bánh tráng mì trong điều kiện bấy giờ không hề dễ dàng chút nào. Khi đã có nồi bảy (loại nồi bằng đồng, khá lớn, nấu cơm đủ cho cả trung đội ăn), có khuôn rồi thì phải có lò, muốn làm được lò phải có nguyên liệu là rơm rạ, khung tre và đất sét hoặc đất gò mối. Những chiếc vỉ cũng do chính tay anh đan bằng tre, nứa để phơi bánh khi vừa mới tráng ra. Người tráng bánh, không ai khác, là chị nuôi quân Nguyễn Thị Hoa-vợ anh.
Sáng kiến ấy của anh Thung và anh Nhị đã giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày của anh chị em trong đơn vị vào những ngày thiếu gạo triền miên. “Dù chỉ là sáng kiến của anh nông dân cầm súng nhưng có thể nói là… trên tài cử nhân, thạc sĩ”-anh em chúng tôi vẫn nói vui như thế.
Thị xã An Khê ngày nay. Ảnh: NGỌC MINH
Thị xã An Khê ngày nay. Ảnh: NGỌC MINH
Trở lại chuyện về chiếc móc võng. Trong rừng ngày ấy mưa nhiều lắm, nếu cột võng trực tiếp vào cây đứng, dù phía trên đã có tấm ni lông che thì nước mưa vẫn theo cây thấm vào dây võng, chảy xuống võng. Vậy nên bộ đội ta mới nghĩ ra cách ngăn nước thấm xuống võng bằng cách tạo ra chiếc móc, có thể bằng tre, le hoặc cây rừng, nhưng chắc chắn và an toàn nhất là móc võng đúc bằng nhôm. Nhờ đó, dù có mưa dầm, các chiến sĩ ta vẫn ngon giấc.
Đáng tiếc, trong một số bảo tàng chiến tranh hiện nay rất ít nơi có lưu giữ những kỷ vật này, để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu được vì sao một thời cha ông mình từng gian khó là vậy nhưng vẫn chiến thắng kẻ thù xâm lược được trang bị những thứ vũ khí tối tân, hiện đại bậc nhất thế giới.
Trong khi thương binh-nhà văn Trung Trung Đỉnh xin phép chị Hoa thắp nén nhang lên bàn thờ người anh, người đồng đội Nguyễn Hữu Thung, tôi tranh thủ dạo quanh nhà anh chị. Chưa kịp hỏi gì thì chị đã kể với tôi: “Những ngày đầu anh chị mới ra quân về quê còn vất vả lắm. Cũng như mọi đồng đội bấy giờ, có ai sướng đâu em. Nhưng rồi, nhờ bà con họ hàng giúp đỡ, anh chị gầy dựng được ngôi nhà tạm này. Ngày ngày làm lụng chăm chỉ cộng với ít tiền chế độ phụ cấp của Nhà nước, cuộc sống khá dần, thế là đủ rồi. Còn hạnh phúc hơn nhiều so với bao đồng đội, đồng chí mãi mãi ra đi. Tuy bị vết thương cũ hành hạ, anh ấy mất sớm, nhưng giờ mẹ con, bà cháu nhà chị cuộc sống cũng dần ổn định rồi”.
Chia tay chị Hoa, anh em chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê thắp những nén nhang trên các mộ phần của các đồng chí, đồng đội, trong đó có nhiều người là bạn chiến đấu, công tác cùng một đơn vị của chúng tôi, của anh chị Thung-Hoa thuở nào. Thấy lòng bâng khuâng trước vùng đất ghi dấu bao sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm qua các thời kỳ. Biết bao mồ hôi, xương máu của lớp lớp đồng bào, đồng chí, trong đó có thế hệ chúng tôi đổ xuống, góp phần cho đất nước yên bình, cuộc sống ấm no như ngày hôm nay.
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức ở khu vực Công viên Kpă Klơng (thị trấn Chư Sê). Ảnh: M.K

Sẵn sàng Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025

(GLO)- Hội chợ hoa xuân không chỉ tạo điều kiện cho các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm mà còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách mỗi khi Tết đến xuân về. Chính vì vậy, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai các phương án nhằm tổ chức Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, vui tươi.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.