Đồng bào Phật giáo chung tay xây dựng quê hương Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 5 nhiệm kỳ hoạt động, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai luôn phát huy vai trò đoàn kết tập hợp, hướng dẫn đồng bào Phật giáo thực hiện có hiệu quả phương châm “Tốt đời-Đẹp đạo”, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.  
Gia Lai hiện có hơn 100 chùa và tịnh xá với hơn 500 chức sắc và tăng ni đang tu học. Đội ngũ tăng ni tích cực tuyên truyền, động viên bà con phật tử thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và Hiến chương của Giáo hội. Đồng thời, giúp bà con phật tử học tập tinh thần từ bi của đạo Phật, hướng đến cái thiện và làm việc thiện, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
 Đồng bào Phật giáo bàn giao công trình cầu từ thiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật
Đồng bào Phật giáo bàn giao công trình cầu từ thiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật
Trao đổi với P.V, Thượng tọa Thích Từ Vân-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh-cho biết: “Phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước của Phật giáo Việt Nam, hàng năm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cùng các chùa, tịnh xá thường xuyên tổ chức đại lễ cầu siêu cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ nhằm tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ qua cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, vì nền độc lập tự do cho đất nước hôm nay-một trong những nội dung báo hiếu tứ ân của đạo Phật”.
Nhiều hộ gia đình phật tử tích cực học tập tiếp thu kinh nghiệm làm ăn mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế. Họ cũng là các điển hình về sản xuất giỏi và công tác xã hội tốt như ở thị xã Ayun Pa có ông Nguyễn Thế Vinh, huyện Mang Yang có ông Trần Đình Huy, huyện Chư Pah có ông Nguyễn Văn Rạng, thị xã An Khê có ông Võ Đức Dư, huyện Chư Prông có ông Trần Cao Biền, Huỳnh Hùng... Đây là những hộ gương mẫu tại cộng đồng, tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đỡ hộ nghèo cùng ổn định cuộc sống.
Cùng với hơn 100.000 phật tử là người Kinh, trên địa bàn tỉnh có vài ngàn phật tử là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Chùa Bửu Tịnh (thị xã Ayun Pa), chùa Linh Quang (huyện Chư Pưh) và tịnh xá Phú Cường (huyện Chư Sê) là những cơ sở Phật giáo đầu tiên trong tỉnh có đông bà con phật tử dân tộc thiểu số tại chỗ. Theo Thượng tọa Thích Giác Duyên-Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh: “Thông qua hoạt động Phật sự, các chùa, tịnh xá nói trên đã góp phần cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tại địa phương hướng dẫn bà con tích cực thực hiện cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, giúp bà con nhận thức, cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch”.
Đồng bào Phật giáo tặng quà người nghèo. Ảnh: Thanh Nhật
Đồng bào Phật giáo tặng quà người nghèo. Ảnh: Thanh Nhật
Về các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng, ni sư Thích Nữ Hạnh Nguyện-Trưởng ban Từ thiện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh-cho hay: “Bình quân mỗi năm, các chùa, tịnh xá và tăng ni, phật tử đã ủng hộ kinh phí và vật chất trị giá trên 5 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động từ thiện giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa về lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc chữa bệnh và xây dựng nhà ở. Đồng thời quan tâm chia sẻ cả vật chất và tinh thần cho những đối tượng tàn tật bất hạnh, bị thiên tai, người không nơi nương tựa, các gia đình khó khăn và neo đơn trong xã hội, thăm và tặng quà cho các đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ  Xã hội Tổng hợp tỉnh, chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện... cùng các hoạt động an sinh xã hội khác”.
Bên cạnh đó, với tinh thần “Phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật”, từ năm 2000 đến nay, cơ sở từ thiện chùa Bửu Châu (TP. Pleiku) đã trực tiếp nuôi dưỡng gần 100 trẻ em tàn tật, mồ côi, cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em bị bỏ rơi. Trong số đó hiện có nhiều cháu đã trưởng thành. Tại thời điểm này, nhà chùa đang nuôi dạy hơn 50 cháu. Ngoài những cháu sơ sinh đến hơn 1 tuổi, số trẻ đang được nhà chùa nuôi dưỡng chủ yếu trong nhóm tuổi từ Mẫu giáo đến THCS…
Bên cạnh việc đánh giá cao thành quả thời gian qua của các chùa, tịnh xá, tăng ni và đồng bào phật tử trên địa bàn, bà Đinh Thị Giang-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cũng đề nghị: “Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò đoàn kết tập hợp, hướng dẫn đồng bào Phật giáo thực hiện có hiệu quả phương châm sống “Tốt đời-Đẹp đạo”. Các chùa, tịnh xá, tăng ni và đồng bào phật tử trên địa bàn tăng cường các hoạt động từ thiện, góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo và an sinh xã hội tại địa phương. Tiếp tục phát huy các giá trị đạo đức và văn hóa của đạo Phật vào thực tiễn đời sống, sinh hoạt tôn giáo đúng quy định pháp luật, đường hướng Đạo pháp-Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, chung sức vì sự đổi mới và phát triển của tỉnh nhà”.
 Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

(GLO)- Ngày 10-1, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tây Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình “Tết ấm áp-Xuân Ất Tỵ 2025”, trao 190 suất quà Tết cho các hộ khó khăn và đối tượng yếu thế trên địa bàn.

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

(GLO)- Ngày 3 và 4-1, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Đak Pơ phối hợp với Công ty sữa TH True Milk tổ chức chương trình trao tặng sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện.

“Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ 2025, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh phấn đấu hỗ trợ cho 50.000 lượt người nghèo, khó khăn với tổng giá trị đạt 22 tỷ đồng. Ảnh: N.N

Tết nhân ái

(GLO)- Với mục tiêu huy động sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để giúp người nghèo có thêm điều kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc, phong trào “Tết nhân ái” đã được triển khai và nhận sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.