(GLO)- Ngoài việc tăng gia sản xuất nhằm cải thiện bữa ăn, Đồn Biên phòng Ia Púch (xã Ia Púch, huyện Chư Prông) còn dành một khu đất rộng hàng trăm mét vuông để trồng cây thuốc Nam phục vụ việc chăm sóc sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Hiện nay, hầu hết các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh đều thực hiện khá tốt chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về xây dựng vườn thuốc Nam để trị bệnh tại đơn vị. Hầu hết các vườn thuốc đều “hội tụ” rất nhiều cây thuốc quý, chữa trị được nhiều bệnh thông thường. Mặc dù nằm trên địa bàn khắc nghiệt về thời tiết, khí hậu nhưng vườn thuốc nào cũng phát triển xanh tốt.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch chăm sóc vườn thuốc Nam của đơn vị. Ảnh: N.S |
Nhiều năm qua, vườn thuốc Nam của Đồn Biên phòng Ia Púch được các chiến sĩ dành thời gian chăm sóc rất cẩn thận. Khu vườn được thiết kế đẹp mắt, nằm ở góc phía trước trong khuôn viên doanh trại, trồng khoảng 50 loại cây thuốc Nam, được phân loại theo các nhóm chính như: chữa bệnh hô hấp, tiêu hóa, an thần, đau nhức, tiêu độc, giải nhiệt, rắn cắn...
Chỉ vào nhóm cây trước mặt chúng tôi, Trung tá Rơ Lan Khúi-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Púch, giới thiệu: Đây là hoa sài đất, có công dụng trị các bệnh ngoài da, như: rôm, sảy, viêm tấy, lở loét. Kế bên là cây lá nán, được dùng để trị bong gân (bằng cách thái nhuyễn, chưng với giấm chua, gói trong bọc vải rồi chườm lên chỗ bong gân). Cây húng lủi có lá dùng để làm rau trong các bữa ăn và có công dụng giải cảm rất hữu hiệu. Cây hoa bỏng, lá có thể dùng để chữa bỏng, ngoài ra còn có tác dụng giảm sưng, giảm đau, trừ độc và chữa lở loét, viêm ruột, trĩ nội trĩ ngoại, đi ngoài ra máu, chữa đau mắt đỏ. Ngoài các loại thuốc dân gian, đơn vị còn trồng các loại cây nấu nước cho bộ đội uống hàng ngày như: mía lau, rễ tranh, mã đề, kim tiền thảo, râu mèo, lạc tiên... Một số loài cây được dân gian truyền miệng là thuốc quý, có thể trị được nhiều bệnh như lược vàng, kim vàng cũng đã được sưu tầm về trồng tại vườn thuốc.
Thượng tá Đỗ Thế Giang-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Púch: “Hiện nay, các loại thuốc tây y không thiếu, nhưng việc xây dựng vườn thuốc Nam được xem là rất cần thiết, hữu hiệu trong việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Bằng những cây thuốc Nam có sẵn trong vườn, các cán bộ, chiến sĩ có thể tự chữa trị những bệnh thông thường một cách nhanh chóng, hết sức hữu hiệu mà lại lành tính, có tác dụng lâu dài”. |
Để phát huy tối đa hiệu quả của vườn thuốc Nam, mỗi khi có thêm chiến sĩ mới, đơn vị lại dành thời gian để hướng dẫn họ làm quen với công dụng của từng loại cây và mỗi nhóm thuốc, qua đó có thể giúp nhau khi gặp rủi ro, bệnh tật. Bên cạnh việc nắm rõ tác dụng của từng loại cây thuốc, việc chăm sóc và sưu tầm cây thuốc dân gian áp dụng vào thực tế được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tìm hiểu thêm qua tài liệu, sách báo... Sau khi nắm bắt được kiến thức về các loại cây thuốc, cách điều trị bệnh, mỗi lần xuống địa bàn hay đi tuần tra, thấy có cây thuốc Nam mọc dại, các chiến sĩ đều mang về bổ sung, làm phong phú thêm cho vườn thuốc. Bên cạnh đó, các chiến sĩ còn được phổ biến cách tìm các loại lá cây hiệu nghiệm để xử lý nhanh khi bị rắn cắn, cầm máu vết thương ngay trong lúc đang làm nhiệm vụ trong rừng.
Nhóm cây trị rắn cắn được xem là thuốc phục vụ thường xuyên nhất cho các chiến sĩ trong những đợt tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Nhóm cây này được các chiến sĩ mang từ vùng núi phía Bắc vào trồng. “Vườn thuốc Nam của Đồn đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ khi đau ốm. Đồng thời, đây cũng là nguồn thuốc phong phú phục vụ đắc lực cho cán bộ quân y của Đồn mỗi khi tổ chức chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn đơn vị đứng chân”-Trung tá Rơ Lan Khúi cho biết thêm.
Ngọc Sang