Đời thiên di theo mùa ong lấy mật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc sống của họ vui buồn và lang thang theo những đàn ong trên khắp các rẫy rừng cao nguyên. Họ là những con người du mục chăm những đàn ong di trú. Họ lang thang hết những vùng hoa này đến vùng hoa khác cùng đàn ong kiếm mật. Với họ, ong là cuộc sống, là niềm vui và cả nước mắt..
Những cảnh đời di trú
Tây Nguyên cuối tháng 2 sẽ hết mùa hoa cà phê và cũng là mùa đàn ong đi lấy mật. Những người nuôi ong lại lang thang trên những vùng hoa cà phê thẫm đen đang đậu quả để cùng bầy ong cần mẫn vét những gì còn sót lại của mùa hoa cà phê đầu năm trên cao nguyên trung phần này.
Anh Huỳnh Quốc Cường, chủ một trại ong di trú có hơn 200 thùng ong từ Quảng Trị lên Đăk Hà (Kon Tum) từ 2 tháng trước. Anh Cường cho biết: “Tháng 2, tháng 3 Tây Nguyên, là mùa hoa cà phê nở trắng trời. Người dân ở đây gọi là mùa xuân trắng bởi cả đất trời chỉ một màu trắng của hàng trăm ngàn hecta cà phê bung hoa. Thời điểm này cũng chính là lúc mà những trại ong và những con ong miệt mài đi thu gom từng hột phấn trên những bông hoa cà phê đó. Đó chính một vụ thu hoạch mật ong ngon nhất trong năm khi hoa cà phê nở rộ”. Cứ thế, khi những đàn ong ở đây hút mật thì những chủ đàn ong cùng nhân công cũng ở đây, họ sống và di chuyển theo đàn ong mỗi mùa hoa từ Nam ra Bắc và ngược lại. Chỉ cần ở đâu có hoa, ở đó có đàn ong và những người chăn ong.
 
Trại ong của anh Long giữa rừng cà phê cuối mùa hoa.
Trại ong của anh Long giữa rừng cà phê cuối mùa hoa.
Phan Văn Long (46 tuổi, quê Quảng Nam) đã ở Đăk Hà gần 3 tháng.Anh mang đàn ong từ Quảng Nam vào Tây Nguyên để hút mật từ trước Tết Nguyên đán đến giờ. Anh bảo, những người nuôi ong mật như anh luôn tự nhận mình là “dân du mục”, những kẻ di trú theo mùa hoa như thế này luôn phải sống cuộc sống nay đây mai đó để di chuyển đàn ong đi kiếm nơi có thời tiết và nguồn phấn hoa phù hợp. Anh bảo, quanh vùng hoa cà phê bạt ngàn này không chỉ có trại ong của anh, còn mấy chục trại ong khác của nhiều người từ miền Trung lên.Họ “chạy ong” từ khắp nơi về đây đón mùa hoa cà phê này.Mỗi trại ong ở cách nhau vài km để tận dụng hết vùng hoa.Ong vốn là những sinh vật có trí nhớ tốt nên chẳng bao giờ bị lạc bầy, lạc tổ.Thế nên, chẳng bao giờ sợ bị mất.
Đời du mục của dân nuôi ong có những buồn vui và cay đắng không phải mấy ai cũng hiểu được. Trong căn lều phủ bạt của anh Long cùng mấy người công nhân theo anh nhiều mùa chỉ có chiếc sạp gỗ làm chỗ ngủ, những bộ quần áo lao động rẻ tiền, vài xoong nồi, bát đũa nấu cơm, chiếc đài chạy pin và một bình ắc quy nho nhỏ để thắp sáng. Nhưng, ánh điện từ ắc quy chỉ thắp lên lúc ăn cơm tối, rồi sau đó lại tắt. Không phải vì tiết kiệm mà bởi tập tính của loài ong rất nhạy cảm với ánh sáng, không cẩn thận sẽ bị ong tấn công ngay lập tức. Anh bảo: “Tính khí của loài ong rất khó đoán định. Lúc “cáu tiết” có thể kéo cả đàn tìm người đốt chẳng cần lý do”. Thế nên, mỗi tối, sau khi ăn cơm thì ánh điện tắt phụt, thay vào đó là cả khoảng trời bao la đầy trăng sao trong đườm đượm mùi hoa cà phê nồng nã và tiếng côn trùng rỉ rả.
 
Người chăn ong di trú chỉ mong gặt hái được thành quả, đừng có rủi ro gì.
Người chăn ong di trú chỉ mong gặt hái được thành quả, đừng có rủi ro gì.
Anh Long bảo, giới nuôi ong gọi những túp lều này là “khách sạn ngàn sao”.Chỉ cần nhìn vào chỗ ở là biết được sự lênh đênh, cực khổ của nghề này. Những căn lều làm bằng tôn cũ, hay những tấm bạt cũ nát chỉ có thể che nắng chứ bất lực với trời mưa. Nhưng, rất may, mùa hoa cà phê cũng là mùa khô, gió chướng nên người chăn ong không phải chịu đựng cảnh mưa dột. Cứ thế, hết tháng này qua tháng khác, hết năm này qua năm khác, những con người ấy lang thang biền biệt cùng bầy ong, ăn ngủ sinh sống trong lán trại tạm bợ giữa những cánh rừng đầy hoa. Họ sống cuộc đời du mục và không kém phần lãng mạn nhưng cũng đầy buồn bã nơi vắng người.Trong câu chuyện của mình, anh Long bảo cuộc sống nay đây mai đó vẫn có những câu chuyện buồn của đời nuôi ong di trú chẳng mấy người muốn tỏ bày.
Trong hơi sương lãng đãng lúc nửa đêm của miền cao nguyên, một nhân công trong trại nuôi ong của anh Long gảy nhẹ cây đàn guitar bong tróc, cất giọng trầm đục bài hát quen thuộc của kẻ tha hương theo đàn ong di trú. Góc xa dưới tán cây mờ ảo ánh trăng thượng tuần, một công nhân đang gọi điện thoại về nhà.Thi thoảng, anh lại giơ chiếc điện thoại lên để hứng sóng. Nghe thoang thoáng qua câu chuyện, có lẽ anh đang gọi về dặn dò đứa con chuyện ăn, chuyện học, dặn người vợ ở nhà chăm cho lũ trẻ và ông bà già yếu. Anh Long thủ thỉ, nghề nuôi ong di trú này cũng có lắm vui buồn. Như người công nhân đang chơi đàn kia, nhiều năm trước theo ong hàng tháng trời thì nhận được tin vợ ở nhà có người người đàn ông khác. Anh lặng lẽ bắt xe về, tới nhà trong đêm thì thấy vợ mình đang ngoại tình. Anh lặng lẽ trở lui. Rồi từ ấy theo anh Long đã gần 5 năm không về nữa. Tôi nghe câu chuyện mà chợt chạnh lòng. Hóa ra, những mảnh đời theo đàn ong di trú, cũng đâu có đơn giản như thế.
Nghề nuôi ong du mục không chỉ như “đánh bạc với trời”, quanh năm suốt tháng phải sống giữa núi rừng hoang vu, những người theo nghề này còn nếm trải sự cô đơn, thiếu thốn, khi mà quanh năm họ chỉ có rừng núi hoang vu làm bạn. Hành trang của những người nuôi ong là hàng trăm, hàng ngàn thùng ong cùng những lều bạt đơn sơ được cuốn lại theo đàn ong. Có những gia đình theo ong xuôi ngược khắp nơi, những đứa trẻ mới chập chững bước đi nhưng phải gửi lại quê nhà để ông bà chăm sóc, để cha mẹ chúng rong ruổi cùng đời ong qua các cánh rừng. Những người nuôi ong ấy, có lẽ thời gian sống trong rừng còn nhiều hơn thời gian ở nhà.
 
Cuối mùa, thành quả là những cầu ong đầy mật.
Cuối mùa, thành quả là những cầu ong đầy mật.
Nước mắt của người nuôi ong
Tâm sự về nghề, cả anh Long, anh Cường cũng như nhiều người chăn ong khác đều chấp nhận rằng, để có mật ngon, người nuôi ong phải rong ruổi hầu khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc. Nghề này được ví như “đánh bài lật ngửa” bởi may mắn thì trúng hàng trăm triệu còn không thì lỗ nặng. Anh Cường nuôi ong đã bao mùa, cũng đã thất bại nhiều vụ do những ngày đầu chưa am hiểu hết nghề nuôi. Có những năm đàn ong của anh liên tiếp bị dịch bệnh chết rạp.Những thất bại liên tiếp đã làm anh chán nản, bỏ nghề.Nhưng, những ngày tháng phiêu bạt làm đủ thứ nghề vẫn không khỏa lấp được nỗi nhớ với nghề nuôi ong trong anh.Rồi anh quay lại.“Nuôi ong rong ruổi khắp nơi, nghề này dễ trúng và cũng dễ lỗ do chi phí bỏ ra tiền tỷ. Nhưng, quen rồi, phải theo nghề thôi!”, anh Cường thủ thỉ.
Không chỉ sợ bệnh tật cho ong, mà ngay cả việc chọn vùng hoa cho đàn ong cũng là cả một cuộc chiến. Đó là “cuộc chiến” của các chủ trại ong, là cuộc chiến của chủ ong và cả dân bản địa tại vùng hoa đó.Tâm lý người dân địa phương thường cho rằng ong là kẻ thù chính trong phá hoại hoa màu, cây cối nên họ phun thuốc làm một số lượng lớn ong bị chết.Nuôi ong mật nhìn vậy nhưng không dễ, vốn đầu tư không nhỏ cùng với bao nhiêu rủi ro khác nữa. Di chuyển đàn ong về nơi nào, nếu không đi “trinh sát” trước, đặt ong xuống vùng người dân mới phun thuốc sâu thì chỉ 3 ngày là bầy ong chết sạch, tiền tỷ mất không như chơi.
 
Hun khói để ong say, không đốt người.
Hun khói để ong say, không đốt người.
Cuộc sống vất vả đến mấy rồi cũng thích nghi được. Điều khiến người nuôi ong di trú sợ nhất là việc chủ đất có vùng hoa bỗng dưng xua đuổi vì phật ý. Mỗi lần bị đuổi là mỗi lần người nuôi ong lãnh đủ, vì chi phí cho mỗi chuyến chuyển ong là cả một vấn đề. Thông thường, mỗi lần di chuyển đàn ong với số lượng vài trăm thùng thì cần khoảng 5-15 chuyến xe tải, rồi các nguyên vật liệu, nhân công... cũng chiếm một số tiền kha khá. Điều đáng sợ nữa, ấy là lúc thu hoạch mật, bất chợt có các nhóm “giang hồ”, “anh chị” đang hoạt động và họ “bắt mùi” được, tìm đến hoạch họe hoặc xin ít tiền trà nước. Chăn ong mấy tháng trời, đến lúc gặt hái thành quả thì không thể làm khác được nên những chủ ong đành phải cúng tiền chè thuốc cho những người này, chỉ mong được yên ổn làm ăn nốt mấy ngày cuối rồi đi nơi khác, nếu không chỉ cần vài mồi lửa và đám khói coi như công cốc, cả đàn ong sẽ bay tứ tán khắp nơi.
Nhắc đến những câu chuyện thảm thê của nghề nuôi ong du mục, anh Long nghẹn ngào kể bạn nghề của anh ngày trước thiệt hại mấy trăm triệu vì ong dạt đàn. Hôm ấy, trời nổi gió bất thường, có rất nhiều con ong của đàn khác bay ra khỏi thùng gỗ để bài tiết, gặp gió thổi mạnh, chúng kéo nhau bay đi. Thế là cả trại ong mấy trăm thùng trong vườn bỗng dưng bốc bay hết thảy. Nhìn hàng vạn con ong bỏ đàn bay đen kịt trời chiều, người nuôi ong chỉ biết đuổi theo gào thét mà rơi nước mắt. Mọi cố gắng cứu vãn đều vô vọng. Hàng trăm thùng ong đầu tư cả trăm triệu chỉ còn sót lại ong chúa, lưa thưa vài ong thợ cùng nhung nhúc nhộng và trứng. Nhiều người an ủi động viên nhưng bạn nghề ấy từ ngày đó không gượng nổi đành bỏ nghề, mặc dù đó là người rất mát tay trong việc chăn ong.
 
Quay mật ngay tại vườn.
Quay mật ngay tại vườn.
Rủi ro đầy rẫy, gian nan trùng trùng, thế nhưng khi tôi hỏi anh Long năm sau có đưa ong mật lên cao nguyên nữa không? Anh vẫn nở nụ cười hi vọng: “Có chứ, đã làm ăn thì chuyện được mất là thường tình. Nghề đã vận vào người, sao bỏ được?”.
Một ngày với những người chăn ong di trú, tôi vẫn chưa hiểu hết được trong cái nghề nuôi ong này còn có những nỗi buồn mà họ không muốn nhắc tới. Với họ, nghề cũng như cuộc sống của chính bản thân vậy, ong gắn với họ không chỉ là cái nghiệp kiếm cơm, mà ở đó còn có những câu chuyện, những cảnh đời đầy thương cảm đi theo mùa di trú.
Theo Tiêu Dao (antg.cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.