Đổi mới giáo dục mầm non: Lấy trẻ làm trung tâm, vui chơi là hoạt động chủ đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy và những người làm giáo dục mầm non đã gặp gỡ, trao đổi ý kiến, phân tích những vấn đề về đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giáo dục.


Học sinh Trường Mầm non Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Học sinh Trường Mầm non Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Phương pháp giáo dục mầm non cần được đổi mới theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, lấy hoạt động vui chơi làm chủ đạo. Giáo viên cần là người tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ trẻ học tập, phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cần được đổi mới theo hướng hiện đại.

Đây là quan điểm chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh tại Hội thảo “Đổi mới và sáng tạo hướng tới sự phát triển bền vững trong giáo dục mầm non” diễn ra ngày 22/11, tại Hà Nội.

Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tổ chức, thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu trong lĩnh vực giáo dục mầm non.

Theo ban tổ chức, hội thảo nhằm tạo ra một diễn dàn rộng rãi để các nhà nghiên cứu, giảng dạy và những người làm giáo dục mầm non gặp gỡ, trao đổi ý kiến, phân tích những vấn đề về đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giáo dục, xu hướng phát triển giáo dục mầm non trên thế giới và Việt Nam. Hội thảo cũng nhằm thảo luận về định hướng mục tiêu và giải pháp cho giáo dục mầm non trong chiến lược phát triển giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045; mục tiêu, chương trình, nội dung và cách thức đánh giá trẻ trong kỷ nguyên mới; nuôi dưỡng trẻ nhỏ để trở thành công dân toàn cầu sáng tạo và có tư duy phản biện.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Khẳng định giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết trong những năm qua, giáo dục mầm non Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục mầm non vẫn còn một số hạn chế như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục. Chất lượng đội ngũ giáo viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm của giáo viên. Phương pháp giáo dục còn mang nặng tính truyền thụ, chưa phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ.

Để khắc phục những hạn chế trên, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng cần đổi mới và sáng tạo hướng tới sự phát triển bền vững trong giáo dục mầm non. Chương trình giáo dục cần đổi mới theo hướng phát triển toàn diện, phù hợp với sự phát triển của trẻ em Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nội dung giáo dục cần được tích hợp, lồng ghép, gắn với thực tiễn cuộc sống, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ. Phương pháp giáo dục cần được đổi mới theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, lấy hoạt động vui chơi làm chủ đạo. Giáo viên cần là người tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ trẻ học tập, phát triển. Việc đánh giá kết quả giáo dục cũng cần được đổi mới theo hướng đa dạng, linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của trẻ em. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cần được đổi mới theo hướng hiện đại.

Đại biểu thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, cán bộ, giáo viên trong lĩnh vực mầm non. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Đại biểu thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, cán bộ, giáo viên trong lĩnh vực mầm non. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Nhấn mạnh giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục, Thứ trưởng đề nghị cần đổi mới đội ngũ giáo viên theo hướng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục mầm non.

Cũng theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, để đổi mới và sáng tạo trong giáo dục mầm non theo hướng phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, nêu vấn đề liên quan đến các nội dung như các hình thức giáo dục sáng tạo tại một số quốc gia; các lĩnh vực phát triển trong giáo dục mầm non; chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục mầm non; đào tạo và ứng dụng các phương pháp, hướng tiếp cận giáo dục tiên tiến trong giáo dục mầm non; kinh nghiệm đào tạo giáo viên mầm non trên thế giới và Việt Nam; kinh nghiệm giáo dục phát triển bền vững trong giáo dục mầm non.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.