Độc đáo lễ Hlôm đon của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Người Bahnar thường tổ chức lễ Hlôm đon (lễ Thổi tai) cầu mong Yàng che chở, bảo vệ cho đứa trẻ sau khi sinh ra một thời gian (thường là một lần trăng) được mạnh khỏe, mau ăn chóng lớn.
Mới đây, người viết bài này có dịp tham dự lễ Hlôm đon tại nhà vợ chồng chị H'Ren và anh Drơ (làng Klot, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa, Gia Lai). Hôm ấy, anh chị tổ chức lễ Hlôm đon cho đứa con gái thứ 2 dưới sự chứng kiến của dòng họ nội ngoại hai bên.
 Bà Kri (áo xanh) tiến hành nghi lễ cúng. Ảnh: Y.P
Bà Kri (áo xanh) tiến hành nghi lễ cúng. Ảnh: Y.P
Nghi lễ không quá phức tạp nhưng cũng không thể thiếu các lễ vật bao gồm: 1 ghè rượu với ý nghĩa cúng các Yàng đã ban cho mùa màng bội thu, thóc lúa đầy kho; 1 con gà nướng, kèm theo miếng gan với ý nghĩa gan dạ, dũng cảm; 1 cái liềm biểu trưng sự cứng cáp, khỏe mạnh; một ít muối trắng với quan niệm cuộc sống luôn đậm đà, tình cảm đằm thắm (tại các lễ khác thường là muối ớt nhưng riêng lễ này thì kiêng muối ớt do quan niệm nếu có ớt em bé sẽ nóng nảy, nổi nhọt, lười ăn, gầy còm…); một bát huyết gà để bôi lên 4 tai ghè rượu, cần rượu và trán em bé mong sự kết nối với thần linh; một cành lá pngal-một loại lá mà bất cứ lễ cúng nào cũng phải có-để xua đuổi xui xẻo, tà ám… Đây là một loại cây thân gỗ mọc trong rừng, nơi có nguồn nước sạch, thường được quan niệm là cây thần, cây may mắn.
Người ta thường bắt gặp thầy cúng là đàn ông trong các lễ cúng to nhỏ của cộng đồng và gia đình. Tuy nhiên, trong lễ Hlôm đon thì người cúng chính là bà ngoại của đứa trẻ. Khi mọi lễ vật đã chuẩn bị xong, bà Kri-bà ngoại của cháu bé-đứng ra khấn nhỏ: “Ới Yàng Núi, Yàng Nước, Yàng Thác, Yàng Đá, hôm nay gia đình cúng các Yàng gồm có rượu ghè, con gà báo cáo các Yàng tên của bé gái là Y Ngọc Trâm, mong các Yàng che chở, cho con, cháu chúng tôi sức khỏe, mau ăn chóng lớn…”.
Sau đó, bà Kri lấy huyết gà bôi lên 4 tai ghè rượu, cần rượu và trán em bé; lấy lễ vật mỗi thứ một ít như gan, huyết, thịt gà và 1 ly rượu rồi bước ra ngoài sân báo cáo các Yàng. Xong thủ tục cúng, bố mẹ bế em bé đi quanh ghè rượu và lấy gà, rượu chấm nhẹ vào miệng bé… Bố mẹ em cũng uống rượu, ăn gà để lấy lộc của Yàng. Sau đó, lần lượt những người lớn tuổi trong nhà uống rượu, ăn thịt gà theo nghi lễ. Quả bầu khô đen bóng lúc này mới phát huy vai trò của mình trong việc tiếp nước cho ghè mỗi khi cạn rượu.
Phần cuối cùng và quan trọng nhất là khi ông Angưi-ông nội của bé-rút cang lưỡi con gà để kiểm tra xem có thẳng và đều không? Vì người Bahnar quan niệm, nếu cang lưỡi gà cong đều, đẹp thì mọi chuyện đều tốt đẹp và may mắn; ngược lại phải chuẩn bị tâm lý cho những điều xui xẻo ngoài ý muốn. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, ông Angưi chia sẻ: Cang lưỡi gà đều, đẹp nhưng cũng cho thấy cháu gái của ông sau này hơi… lì lợm, ngang bướng nhưng thông minh, lanh lợi. Tiên đoán của ông Angưi khiến tất cả mọi người trong gia đình đều cười vui.
Bà Drưp-bà nội của bé gái Y Ngọc Trâm-cho biết, những đứa trẻ sẽ luôn khỏe mạnh và gặp may mắn khi được bố mẹ và gia đình tổ chức lễ Hlôm đon. Qua lễ này, em bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình với đầy đủ tên gọi đã được báo cáo với Yàng, với tổ tiên, dòng họ.  
Tuy được gọi là “lễ Thổi tai” nhưng không phải người Bahnar bản địa vùng nào cũng thực hiện nghi lễ lấy ống tre thổi vào tai trẻ. Làng Klot là một ví dụ. Thông qua các lễ vật, nghi lễ, gia đình mong muốn đứa trẻ sẽ hiểu biết, thông minh, được thần linh che chở và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống sau này.
Lễ Hlôm đon chỉ nằm ở phạm vi gia đình và dòng họ nhưng thể hiện trách nhiệm, tình yêu thương của các bậc ông bà, cha mẹ đối với con cháu. Qua lễ này, sự gắn kết giữa gia đình nội ngoại hai bên cũng càng thêm khăng khít. Đây là nét văn hóa truyền thống cần được phát huy, gìn giữ trong sự giao thoa văn hóa đa sắc tộc và cuộc sống hiện đại ngày nay.
 Y Phương

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.