Phát huy lợi thế, tăng tốc phát triển
Với lợi thế về vị trí địa lý và có thế mạnh trong phát triển cây công nghiệp dài ngày, huyện Đức Cơ chủ trương xây dựng thành vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Vũ Mạnh Định cho biết: Huyện có Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng đến năm 2045 với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
“Huyện xác định đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng cụm công nghiệp 30 ha và có thể mở rộng lên 75 ha để kêu gọi đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch theo hướng liên danh, liên kết”-ông Định thông tin.
Người dân thôn Chư Bồ 1 (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) chăm sóc vườn sầu riêng. Ảnh: Ngọc Sang |
Đến nay, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã thu hút 36 nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng vốn gần 243 tỷ đồng, trong đó, 11 dự án đã đi vào hoạt động. Hiện đã có 2 dự án chế biến, sản xuất gỗ, hàng nội thất xuất khẩu và 2 dự án chế biến nấm được triển khai.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu tại cửa khẩu đạt hơn 125 triệu USD. Trong quý I-2023, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt 23,5 triệu USD.
Hiện nay, Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19, trong đó có hơn 30 km qua địa bàn huyện đang được triển khai, góp phần phát triển hệ thống đường bộ kết nối Đức Cơ với các tỉnh Đông Bắc Campuchia.
Ngoài ra, định hướng của huyện là mở 5 km đường từ xã Ia Pnôn ra quốc lộ 14C đi tỉnh Đak Lak; mở đường từ xã Ia Nan qua xã Ia Kriêng, Ia Pnôn rồi nhập với tuyến đường biên giới cấp bách và quốc lộ 14C để mở hướng phát triển toàn diện khu vực biên giới.
Đến năm 2025, huyện sẽ đầu tư 4 tuyến đường “xương sống” với chiều dài khoảng 22 km kết nối trung tâm huyện đến các xã. Cùng với đó, huyện ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nhằm tạo đà phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Huyện Đức Cơ hiện có gần 17 ngàn ha cây trồng chủ lực gồm: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu và cây ăn quả. Từ năm 2020, huyện đã điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, tổ chức xúc tiến thương mại, gặp gỡ các doanh nghiệp và triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ khi thực hiện dự án tại địa phương.
Hiện nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đã liên kết với người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây, cà phê, điều. Đời sống của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 43 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 12%.
Lãnh đạo huyện Đức Cơ và Hợp tác xã Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên ký bản ghi nhớ hợp tác, liên kết sản xuất, thu mua quả sầu riêng của người dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Sang |
Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 23 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao cấp tỉnh. Để tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình OCOP, huyện triển khai nhiều chương trình liên kết sản xuất, mời gọi nhà đầu tư, ưu tiên những mô hình phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Chứng kiến sự đổi thay của huyện nhà, ông Rơ Mah Mrao (làng Poong, xã Ia Dơk) phấn khởi cho biết: “Trước đây, người dân trong làng còn khó khăn, nhưng nay thì đã khác nhiều rồi. Kết quả đó là nhờ chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động dân làng thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hiện gia đình tôi có 10 ha cao su, 6 ha điều, 2 ha cà phê và 400 trụ hồ tiêu, thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân trong làng cũng có thu nhập khá ổn định, mua được xe công nông, máy móc để phục vụ sản xuất, xây nhà cửa khang trang, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.
Tạo đà phát triển du lịch
Nhiều năm qua, hoạt động du lịch tại huyện Ia Grai có sự chuyển biến tích cực. Các sự kiện văn hóa-du lịch tạo hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo khách tham quan như: hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, tham quan lòng hồ thủy điện Sê San 4, thác Mơ... Đặc biệt, năm 2022, huyện tổ chức thành công Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ 3 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng, thu hút 13.000 lượt khách đến tham quan.
Ngoài ra, huyện Ia Grai cũng có diện tích mặt hồ thủy lợi, thủy điện lớn nhất tỉnh, thuận lợi trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, du lịch.
Những năm qua, người dân cũng dần quen làm du lịch như: cho thuê thuyền máy tham quan mặt hồ Sê San 4, tổ chức tour tham quan làng chài-thác Mơ, mở nhà hàng phục vụ các món đặc sản.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn hướng dẫn các đoàn đến tham quan mô hình sản xuất, tự tay thu hoạch trái cây trong vườn nhà, từ đó hình thành và kết hợp nhiều loại hình du lịch từ văn hóa-lịch sử, sinh thái-nghỉ dưỡng đến du lịch canh nông. Đây là những lợi thế lớn về phát triển du lịch, giúp tạo nên các vùng dân cư trù phú.
Lễ hội đua thuyền trên sông Pô Cô, huyện Ia Grai. Ảnh: Ngọc Sang |
Bà Ksor H’Nga-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho biết: Thế mạnh của Ia Grai là các vùng cây ăn quả có diện tích lớn như chôm chôm, sầu riêng, bơ, mít, ổi... có thể phát triển du lịch trang trại, du khách vừa tham quan, vừa được thưởng thức các sản phẩm trái cây. Đặc biệt, thương hiệu “Chôm chôm Ia Grai” đã đăng ký sở hữu trí tuệ. Việc kết hợp du lịch sinh thái trên sông Sê San, sông Pô Cô, các thác nước cùng với bán sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương sẽ hình thành mô hình du lịch khép kín, thuận tiện để du khách đến với Ia Grai.
Bên cạnh đó, tỉnh lộ 664 cũng được nâng cấp, mở rộng nối đường Hồ Chí Minh-đoạn tránh Pleiku và các tuyến đường liên huyện qua các xã Ia Tô (huyện Ia Grai), Ia Dơk, Ia Kla (huyện Đức Cơ) cùng quốc lộ 14C tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn với nhiều vùng kinh tế trong tỉnh, tạo thành vành đai kinh tế Pleiku-Ia Grai.
Theo Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Quý: Huyện xác định chiến lược sản phẩm du lịch, định hướng chung là đa dạng hóa sản phẩm, từng bước nâng cao chất lượng để thu hút du khách. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có nét độc đáo riêng.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện đề ra các giải pháp như: hoàn thiện hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường và các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững. “Huyện đang triển khai điều chỉnh quy hoạch phân khu bờ Đông sông Pô Cô để thu hút các dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kết hợp tham quan trải nghiệm. Sau khi hoàn thành quy hoạch sẽ có tiềm năng rất lớn để thu hút đầu tư của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung”-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai thông tin.
Trong khi đó, để xây dựng Đức Cơ thêm trù phú, một trong những giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ được huyện xác định là phát triển du lịch. Đặc biệt, từ khi Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh hoàn thành, cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk) được công nhận là Cây di sản Việt Nam thì lượng khách du lịch đến với Đức Cơ đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, rừng giáng hương (xã Ia Kriêng) cũng là một trong những điểm đến lý thú, thu hút đông đảo du khách. Một điểm đến hấp dẫn khác là thác ông Đồng nằm ven quốc lộ 14C, thuộc xã Ia Pnôn. Cùng với đó là những địa danh như: Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty, Di tích Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ được địa phương đầu tư xây dựng.
Theo ông Vũ Mạnh Định, huyện Đức Cơ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đầu tư xây dựng các điểm tham quan du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu, mời gọi thu hút đầu tư. Huyện đang hướng đến mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh.