Điều tra băng nhóm xã hội đen Đường 'Nhuệ' ăn chặn trên xác người chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi một trường hợp người chết trên địa bàn tỉnh Thái Bình đưa đi hỏa thiêu, gia đình người chết phải mất thêm 500.000 đồng cho băng nhóm xã hội đen Đường “Nhuệ”.
 
Đại gia Đường "Nhuệ" bị Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ. Ảnh CTV
Ngày 14.4, nguồn tin Thanh Niên cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục mở rộng điều tra nhiều hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm xã hội đen tại Thái Bình, do đại gia Nguyễn Xuân Đường (còn gọi là Đường “Nhuệ”) cầm đầu. Ngoài hành vi cố ý gây thương tích, cơ quan Công an đang xác minh làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đường "Nhuệ" thông qua hoạt động mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có khoảng 23-25 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mai táng, từ cuối năm 2017 đến nay đã phải cống nạp cho băng nhóm Đường “Nhuệ” khoản tiền 500.000 đồng với mỗi người chết đem đi hỏa thiêu. Khoản tiền này sau đó được chính các doanh nghiệp dịch vụ mai táng thu thêm từ thân nhân gia đình người đã mất, ngoài các khoản chi phí theo dịch vụ.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không có lò hỏa thiêu, nên các trường hợp gia đình có người chết tại Thái Bình sẽ lựa chọn việc đưa người thân đi hỏa thiêu tại Đài hóa thân ở tỉnh Nam Định hoặc Hải Phòng. Tuy nhiên, dù đưa đi hỏa thiêu tại đâu thì các doanh nghiệp mai táng cũng phải nộp khoản tiền “phế” nêu trên cho băng nhóm Đường “Nhuệ”, nếu muốn yên ổn để làm ăn.
Ông V.C, trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, cho biết từ trước thời điểm năm 2017, doanh nghiệp của ông ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Hoàng Long- Đơn vị quản lý vận hành Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (ở Cầu Họ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Việc đưa người đi hỏa thiêu thực hiện theo cách thức khi nhận được thông tin về người chết, doanh nghiệp đến chào giá dịch vụ. Nếu thỏa thuận được thì 2 bên sẽ làm hợp đồng đưa sang Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình để hỏa thiêu.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, Đường "Nhuệ" đã huy động đàn em đến gặp gỡ các doanh nghiệp dịch vụ mai táng yêu cầu không được làm việc trực tiếp với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình, đồng thời phải ký kết văn bản về việc mọi dịch vụ về hỏa táng phải thực hiện thông qua Hiệp hội tang lễ Thái Bình, do công ty Đường Dương của Đường “Nhuệ” đứng đầu.
Theo đó, các doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ hỏa thiêu bắt buộc phải báo lại thông tin cho đàn em của Đường “Nhuệ” gọi là “báo ca”. Tức các trường hợp doanh nghiệp khi nhận đưa người đi hỏa thiêu phải báo cáo lại thông tin về thời gian, địa điểm cho nhóm của Đường “Nhuệ”. Căn cứ vào số liệu báo ca này, hàng tháng, các doanh nghiệp nộp đủ tiền cho nhóm Đường “Nhuệ” theo hình thức mỗi trường hợp hỏa thiêu là 500.000 đồng.
“Tất cả chúng tôi đều phải nộp tiền cho nhóm của ông Đường theo định kỳ. Khoản tiền này rất vô lý bởi họ không làm bất cứ việc gì nhưng vẫn thu. Nhưng nếu không nộp thì doanh nghiệp mai táng chỉ có nước treo kèn (dừng hoạt động-PV), ông V.C cho hay.
 
Hàng ngày, chủ doanh nghiệp dịch vụ mai táng phải báo cáo danh sách người đi hỏa thiêu cho nhóm Đường "Nhuệ". Ảnh Thái Sơn
Không nộp tiền luật sẽ bị đàn em của Đường “Nhuệ” đe dọa, đánh phủ đầu, đập vỡ xe chở quan tài...
Tương tự, bà N.L, một doanh nghiệp dịch vụ mai táng trên địa bàn thành phố Thái Bình, cũng cho biết dù đã ký hợp đồng với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình tại Nam Định, nhưng hàng ngày, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc “báo ca” và mỗi tháng 2 lần nộp tiền do nhóm của Đường “Nhuệ”. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp của bà L. thực hiện dịch vụ hỏa thiêu cho 40 trường hợp, tương đương số tiền phải nộp là 20 triệu đồng.
"Trước khi buộc nộp tiền, nhóm của Đường “Nhuệ” buộc chúng tôi phải ký vào văn bản viết tay nêu 500.000 đồng/ca là tiền để làm từ thiện. Nhưng thực chất, đó là tiền bảo kê, chứ chúng tôi làm ăn chỉ đủ vắt mũi bỏ mồm, thì lấy đâu ra tiền để làm từ thiện”, bà L. nói, đồng thời cho biết, trong giai đoạn đầu, đích thân đại gia Nguyễn Xuân Đường ra mặt. Sau khi các doanh nghiệp đã “quy phục”, thì Đường chuyển giao việc quản lý và thu tiền cho đàn em.
Phản ánh với Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp dịch vụ mai táng tại Thái Bình cho biết, việc phải nộp khoản tiền 500.000 đồng đối với trường hợp đi mai táng là rất vô lý, nhưng không nộp thì doanh nghiệp sẽ không yên ổn để làm ăn.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã bị đàn em của Đường “Nhuệ” đe dọa, đánh phủ đầu, đập vỡ xe chở quan tài,… thậm chí cắt địa bàn không cho làm ăn.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong vài ngày gần đây, Công an tỉnh Thái Bình đã tiến hành làm việc với hàng loạt chủ các doanh nghiệp để xác minh, làm rõ hoạt động bảo kê dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình của nhóm Đường “Nhuệ”.
Thái Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm