Diễn biến "nóng" vụ Alibaba: Điều tra dấu hiệu sai phạm quản lý đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bên cạnh việc điều tra hành vi lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba, Công an TP HCM đã chuyển hồ sơ cho công an 3 tỉnh liên quan để điều tra dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Liên quan đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền" xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (viết tắt là Công ty Alibaba), ngày 4-1, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công an tỉnh Bình Thuận để điều tra một số sai phạm khác.

Cụ thể, đối với dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương gồm tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận sau khi thống nhất với liên ngành TP HCM, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã chuyển hồ sơ phần nội dung liên quan cho Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh nêu trên để điều tra, xử lý theo quy định.

Theo Công an TP HCM, toàn bộ dự án dân cư ở 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận được vẽ, lập trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.


 

 
Nạn nhân của Alibaba tố cáo tại Công an TP HCM
Nạn nhân của Alibaba tố cáo tại Công an TP HCM


Chính vì vậy việc chuyển nhượng không được xem là Hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các Hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo. Do đó, số tiền mua đất nền của khách hàng được xác định đã bị chiếm đoạt bởi hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất thổ cư không có thật của Luyện cùng đồng phạm tại thời điểm nhận tiền thanh toán từ khách hàng.

Ngoài hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như nêu trên, Công ty Alibaba không có thêm hoạt động kinh doanh hợp pháp nào khác, vì vậy, cơ quan điều tra xác định toàn bộ nguồn thu của Công ty Alibaba là bất hợp pháp.

Tính đến ngày 15-12-2020, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã tiếp nhận 3.924 đơn trình báo, tố giác tội phạm từ người bị hại, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và đồng phạm với số tiền bị chiếm đoạt hơn 2.373 tỉ đồng.

Ngoài tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nêu trên, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM xác định tại Công ty Alibaba còn có tội phạm "Rửa tiền" do Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), Nguyễn Thái Lực (em Luyện) và Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Alibaba) thực hiện.

Các bị can đã thực hiện hành vi chuyển số tiền 13 tỉ đồng có nguồn gốc bất hợp pháp, chiếm đoạt được của khách hàng lần lượt qua các tài khoản của Thắng, Mai và Lực mở tại một ngân hàng trong các ngày 19-9-2019 và 20-9-2019, để che giấu nguồn gốc, sau đó, rút và sử dụng cho cá nhân.

Quá trình điều tra vụ án đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã ra Quyết định khởi tố đối với 23 bị can thuộc nhóm Công ty liên quan đến Công ty Alibaba về hai tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".

Theo PHẠM DŨNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.