(GLO)- Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư, già làng các dân tộc Tây Nguyên đã phát huy tốt vai trò của mình tại cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết và phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực Tây Nguyên đã không ngừng được nâng cao.
Cách đây 10 năm (ngày 31-3-2009), tại Hội nghị già làng tiêu biểu của 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh phụ cận diễn ra tại TP. Pleiku, những già làng tiêu biểu đã thay mặt già làng các dân tộc Tây Nguyên nhất trí thông qua Quyết tâm thư gửi Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Quyết tâm thư khẳng định tư tưởng, tình cảm thủy chung của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ, với Đảng, với Tổ quốc và bày tỏ quyết tâm chung sức, đồng lòng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
|
Đại biểu người uy tín tỉnh Gia Lai chụp hình lưu niệm trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Thanh Nhật |
Những tấm gương tiêu biểu
Những năm qua, cùng với đội ngũ già làng khu vực Tây Nguyên, các già làng ở Gia Lai đã không ngừng phát huy vai trò, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân tích cực lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Các già làng là cầu nối, tấm gương sáng, điểm tựa vững chắc để người dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, nhất là ở những buôn làng khó khăn. Nhiều mô hình hay, cách làm mới như: “3 phòng, 3 chống”, “3 tự quản”, “Khu dân cư an toàn, bình yên không có tội phạm”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Liên gia về an ninh trật tự” đã được triển khai và phát huy hiệu quả. Hàng trăm già làng đã trở thành nòng cốt của các tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản về an toàn giao thông, tổ hòa giải ở cơ sở, tích cực tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn, xung đột, mê tín, nghi ngờ “ma lai”, “thuốc thư” trong đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động đối tượng, gia đình đối tượng trót theo tà đạo “Hà Mòn”, “Pơ Khắp Brâu”, “Tin lành Đê ga” quay trở về sinh hoạt tôn giáo chính thống được Nhà nước công nhận, tái hòa nhập cộng đồng.
Điển hình trong số các già làng ở Gia Lai là nữ già làng Đinh Thị Duenh (làng Hle Ktu, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro). Bà là người tiên phong trong việc vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo làm ăn, vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống. “Để bà con tin tưởng, làm theo, trước hết mình phải luôn gương mẫu trong sinh hoạt cũng như trong thực hiện nhiệm vụ”-bà Duenh cho hay. Một điển hình khác, già làng Siu HHip (làng Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho biết, năm 2001 và 2004, làng Kia rất phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Ông cùng những người có uy tín trong làng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, giáo dục giúp các đối tượng nhận ra hành động sai trái, trở về với gia đình, chăm lo phát triển kinh tế.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho già làng và người uy tín tiêu biểu. Ảnh: Thanh Nhật |
Bằng những việc làm thiết thực, các già làng trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực giúp bà con trong các buôn làng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no. Một điển hình tiêu biểu trong lĩnh vực này là già làng Hmrik (làng Brel, xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Nhiều năm nay, ông Hmrik đã thường xuyên đến từng nhà để động viên người dân trong làng tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông cũng vận động thanh niên làng Brel chăm lo làm ăn, thực hiện tốt các hương ước, quy ước của làng, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Ngoài ra, các già làng còn hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nhiều già làng như: Rmah Thanh, Ksor Hyuinh (TP. Pleiku); Đinh Yem, Đinh Văn Púa (huyện Kbang); Siu Plim, Ksor Grik, Rơ Châm Phyah (huyện Ia Grai)... đã trở thành những tấm gương tiêu biểu, là nòng cốt trong các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương
Theo ông Đàm Hữu Đắc-Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên, thực hiện 5 lời hứa trong Quyết tâm thư, già làng các dân tộc Tây Nguyên đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào định canh định cư, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng buôn làng giàu mạnh.
|
Những già làng tiêu biểu của các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Nhật |
Cụ thể, 10 năm qua, các già làng Tây Nguyên đã tổ chức 10.567 buổi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiêu biểu là già làng Điểu Mun (SN 1945, dân tộc MNông tại buôn Ndrong B, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông) đã vận động đồng bào biên giới không nghe, không tin những lời dụ dỗ của kẻ xấu chống phá Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, nhiều năm qua, buôn Ndrong B không có người vượt biên. Trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, ông đã vận động nhân dân hiến đất và đóng góp nhiều ngày công lao động làm hơn 2 km đường bê tông.
Tây Nguyên là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, dân số trên 5 triệu người với 47 dân tộc anh em cư trú ở gần 7.800 thôn, làng, tổ dân phố (trên 2.800 thôn, làng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống). Hiện các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 3.000 già làng. Đội ngũ già làng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên. |
Mặc dù đều đã cao tuổi nhưng các già làng Tây Nguyên vẫn luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy với mọi công việc của buôn làng; luôn đi sâu, đi sát giúp đỡ, hướng dẫn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc đẩy mạnh sản xuất, đổi mới cách làm, phát huy tiềm năng thế mạnh ở địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Điển hình như tại buôn Khanh (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đak Lak), nơi có 100% là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn, phương thức sản xuất lạc hậu, dân trí thấp. Tuy nhiên, khi triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, già làng đã tích cực cùng nhân dân tìm ra giống cây trồng phù hợp giúp nhiều hộ thoát nghèo. Đến nay, buôn không còn hộ đói nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, giàu có.
Còn tại tỉnh Đak Nông, các già làng đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc gìn giữ, phát huy giá trị phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Già làng Y Krang (buôn Phi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đak Rlấp) dù tuổi đã cao nhưng vẫn cố gắng truyền dạy cho nhiều thanh niên trong làng biết sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Già làng Ykem Kzơ (buôn Đak Krai, xã Đak Gằn, huyện Đak Mil) nỗ lực giáo dục thanh niên trong buôn biết yêu quý, giữ gìn những nét đẹp truyền thống của người dân tộc MNông; đồng thời đứng ra thành lập đội truyền nghề dệt thổ cẩm và đội cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Già làng Điểu Gơu (buôn Busơrê, xã Đak Ru, huyện Đak Rlấp) chăm lo bảo tồn và lưu giữ 7 bộ chiêng có tuổi đời trên 100 năm, dạy cho 40 thanh niên biết đánh cồng chiêng, hát kể sử thi, hướng dẫn 120 gia đình biết dệt thổ cẩm, làm rượu cần…
Ở tỉnh Lâm Đồng, các già làng đã tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, vận động người dân tiết kiệm trong sinh hoạt, tiêu dùng; thôn, buôn đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; vận động người dân không sang nhượng, bán đất trái quy định. Già làng tỉnh Kon Tum thì tích cực thực hiện chương trình người cao tuổi chung tay xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động người dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình”, không mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác; thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn, làng...
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, các già làng ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tích cực vận động quần chúng đấu tranh, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai để lôi kéo, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ các tôn giáo, tổ chức vượt biên… Qua đó, các già làng đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên. “Già làng các dân tộc Tây Nguyên là chỗ dựa vững chắc, hạt nhân quan trọng trong các phong trào ở địa phương, gắn kết đồng bào các dân tộc đoàn kết hơn. Đồng thời, các già làng còn là nhân tố tích cực tác động đến kết quả hoạt động phong trào Hội Người cao tuổi nói chung, có sức thuyết phục lớn trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên”-ông Đắc khẳng định.
MINH NGUYỄN