Dịch COVID-19: Dòng phụ Eris của biến thể Omicron lan rộng tại Pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
EG.5.1, hay còn gọi là Eris, là một biến thể con của dòng EG.5, hiện được xác nhận trong 88% kết quả giải trình tự gen mẫu bệnh phẩm COVID-19 mà các nhà nghiên cứu phân tích.
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Paris dẫn bài phân tích mới trên tạp chí "Le Point" của Pháp cho biết Eris, dòng phụ của biến thể Omicron, hiện chiếm đa số ở Pháp nhưng không gây quá nhiều quan ngại. Tuy nhiên, các chuyên gia tiếp tục khuyến nghị thực hiện các biện pháp theo dõi tình hình dịch bệnh trong bối cảnh đại dịch chưa hoàn toàn chấm dứt.

Theo bài viết, đại dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn biến mất, với những biến thể đa dạng của virus SARS-CoV-2 vẫn không ngừng xuất hiện. Gần đây nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp biến thể mới EG.5 vào diện "cần theo dõi" sau khi biến thể này lần đầu tiên được phát hiện vào ngày 17/2.

EG.5.1, hay còn gọi là Eris, là một biến thể con của dòng EG.5, hiện được xác nhận trong 88% kết quả giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm COVID-19 mà các nhà nghiên cứu phân tích. WHO xếp EG.5.1 vào diện "biến thể đáng quan tâm" từ ngày 9/8 vừa qua nhưng vẫn chưa đến mức "gây quan ngại", đồng thời đánh giá rằng dòng phụ này gây nguy cơ đối với sức khỏe toàn cầu ở mức thấp.

Trên thực tế, dù dòng phụ này hiện đang chiếm đa số tại Pháp nhưng mới chỉ làm gia tăng số ca nghi mắc. Theo cập nhật của Bộ Y tế công cộng Pháp, khi dòng phụ này lây lan, số lượt thăm khám vì nghi ngờ mắc COVID-19 đang tăng lên, cụ thể là 25% ở nhóm người từ 15-74 tuổi.

Tuy nhiên, bộ trên lưu ý tỷ lệ đến phòng cấp cứu và nhập viện vì COVID-19 ở trẻ em giảm, lần lượt 6% và 7% trong khi số liệu này duy trì ổn định ở người lớn.

Theo WHO, trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ ca bệnh nhiễm biến thể EG.5 tăng đều đặn. Tỷ lệ phổ biến toàn cầu của biến thể EG.5 là 17,4%, tăng đáng kể so với dữ liệu được báo cáo 4 tuần trước đó, khi tỷ lệ phổ biến toàn cầu của biến thể EG.5 là 7,6%. Tính đến ngày 7/8, các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Trung Quốc (30,6%), Mỹ (18,4%) và Hàn Quốc (14,1%).

WHO đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe toàn cầu từ Eris ở mức thấp, nêu rõ đến nay, chưa nhận được báo cáo nào phản ánh có sự thay đổi về mức độ nghiêm trọng của bệnh khi nhiễm dòng phụ Eris. Mặc dù có sự gia tăng đồng thời về số lượng người nhập viện và tỷ lệ ca bệnh nhiễm biến thể Eris tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc nhưng không xác định mối liên hệ giữa 2 hiện trạng này.

Tuy nhiên, WHO cũng lưu ý rằng với khả năng lây lan cao hơn, Eris có thể làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở các quốc gia mà dòng phụ này đang trở thành yếu tố gây bệnh chủ đạo. Các triệu chứng vẫn giữ nguyên như các biến thể trước đây: Sốt, ho, đau đầu, đau toàn thân...

Tại Pháp, các kết quả cập nhật cho thấy tỷ lệ ca bệnh nhiễm dòng EG.5 là 1,6%. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, từ cuối tháng 6, việc giám sát tình hình dịch COVID-19 đã được nới lỏng dần nên nhiều khả năng các chỉ số nêu trên chưa phản ánh đúng và sát tình hình thực tế.

Đơn cử như tại thành phố Bayonne, từ cuối tháng 7, các hiệu thuốc trong thành phố đã báo cáo thực hiện nhiều xét nghiệm kháng nguyên, trong đó có nhiều kết quả dương tính.

Bài phân tích của "Le Point" dẫn ý kiến chuyên gia dịch tễ học đã nghỉ hưu, Catherine Hill, đề xuất do hiện nay các biện pháp theo dõi dịch bệnh truyền thống đã được nới lỏng nên có thể thực hiện các biện pháp thay thế như dựa trên kết quả phân tích mẫu nước thải để theo dõi sự phát triển của dòng phụ Eris với chi phí thấp.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.