Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 5: Chiều chiều đợi ghe hàng chợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Chiều chiều đứng ở mé sông/Đợi ghe hàng chợ như trông mẹ về/Một đồng mua bánh cho em/Hai đồng mua thuốc để dành phần cha".
Ghe hàng chợ của vợ chồng anh Châu Trường Em bán đồ cho người dân huyện U Minh, Cà Mau - Ảnh: T.NHƠN
Ghe hàng chợ của vợ chồng anh Châu Trường Em bán đồ cho người dân huyện U Minh, Cà Mau - Ảnh: T.NHƠN
Từ bao đời, chiếc ghe hàng như ôm cả cái chợ nhỏ về miệt bưng biền miền Tây. Người dân khuất nơi hẻo lánh có thể đợi mua bọc gạo, gói bánh, ký thịt cho đến kim chỉ, lưỡi câu, dầu gió trên những chiếc ghe hàng lênh đênh sông nước...
"Chợ" trên ghe
"Tít, tít, tít" - âm thanh phát ra từ chiếc kèn cũ kỹ trên ghe hàng của bà Nguyễn Hồng Nga (51 tuổi, huyện U Minh, Cà Mau) vang lên đều đặn mỗi ngày. Tuyến kênh 29 qua địa phận xã Khánh Lâm, huyện U Minh là nơi bà lênh đênh buôn bán gần chục năm nay. 
Như hẹn sẵn, cứ nghe tiếng kèn vang lên, một số bà con sinh sống hai bờ kênh lại đổ ra mua đồ. Đám trẻ quê cũng hồ hởi rủ nhau lăm le hộp bánh, cây kẹo xanh đỏ bắt mắt hay mấy bộ ghép hình siêu nhân kỳ thú.
"Lấy cho tui hũ chao", "Đổi cho tui bình nước"... Xen giữa chuyện mua bán là những lời hỏi han sức khỏe, gia đình, con cái hoặc gửi đồ cần mua cho chuyến hàng sau. 
"Miệt này kênh rạch chằng chịt, ít người buôn bán, nên dân quê trông chờ ghe hàng đặng mua đồ. Tiệm tạp hóa cũng có mà hơi xa trong khi ghe hàng cặp sát nhà nên mua gì cũng tiện" - bà Võ Thị Sáu, người dân sống dọc tuyến kênh 29, chia sẻ.
Đúng như bà Sáu tâm sự, chiếc ghe hàng chợ quê mùa vẫn "kiên cường" lênh đênh trên kênh rạch đất mũi, nơi chất quê vẫn hiện hữu dưới những cánh rừng tràm bạt ngàn. Nhiều vùng như Đồng Tháp, An Giang, Long An, bóng ghe hàng chợ đã vắng dần khi đường sá, chợ búa được mở mang tiện lợi hơn.
Nhìn bề ngoài, ít ai nghĩ chiếc ghe hàng nhỏ bé có thể mang nguyên "cái chợ" đến với bà con vùng quê. Trên nóc ghe là những bình nước uống, gạo, lúa; còn phía trước và trong lòng ghe là trăm thứ từ bánh kẹo, rau củ, trứng vịt, gia vị nấu nướng... Hai bên vách ghe cũng được tận dụng tối đa để treo toòng teng mấy dây dầu gội, trái cây.
Bà Nga cho biết đều đặn hai buổi sáng chiều chạy ghe dọc theo tuyến kênh 29 từ xã Khánh Hội qua Khánh Lâm rồi ngược lại để bán hàng. Nhờ những mối quen, đến giờ bà vẫn duy trì được ghe hàng dù con lộ làng, xe cộ vùng quê đã có nhiều thay đổi.
Những ngày này, em Nguyễn Chiến (14 tuổi) - con trai bà Nga - được nghỉ học do dịch bệnh COVID-19 cũng theo mẹ rong ruổi trên ghe hàng. Bà Nga trực tiếp bán, còn Chiến phụ lái ghe ra vào hai bờ kênh...
Chiều tôi xuôi xuống Năm Căn, tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Liên (53 tuổi) đã gắn nửa đời người với chiếc ghe hàng. Người phụ nữ tóc chớm hoa râm rành rẽ bao tuyến kênh quê, dân tình sống ở đây ai ra sao bà cũng "rành sáu câu". 
Nghĩa tình xóm giềng thân thiết, dân quê chẳng ai giàu có gì, nên sau bao năm bán buôn bà cũng không khá khẩm hơn. "Hàng hóa chủ yếu lấy từ mấy mối quen, đem bán lại cho bà con lấy lời mỗi món đồ một vài ngàn đồng. Có vốn liếng, người ta lên bờ mở tiệm tạp hóa bán cho tiện, chứ ai đâu suốt ngày cời cời trên sông".
Nhưng thiệt ra vẫn có dân quê khoái mua đồ của ghe hàng chợ là do dễ được mua chịu. Buôn bán lâu năm, quen thân khách hàng, nhiều khi chủ ghe cho thiếu tiền bịch muối, chai dầu ăn, cục xà bông. 
Họ cũng không sợ bị quỵt, người thiếu thường đem tiền trả trong những lần mua hàng sau. "Quen mặt nhau hết, lạ lẫm gì đâu. Dân quê không hà, có mấy đồng mà đánh mất tình nghĩa chòm xóm. Nhiều người khi trả tiền còn cho kèm mấy cái trứng vịt, mớ rau đồng tình thương mến thương" - bà Liên chia sẻ.
So với cách đây hơn chục năm, ghe hàng chợ đã vắng bóng rất nhiều. Chủ ghe sau thời gian lênh đênh, dành dụm được chút vốn đã lên bờ buôn bán. Nhiều dòng kênh một thời dập dìu ghe hàng chợ giờ đây đã vắng bóng hoàn toàn. 
"Chắc cỡ năm, mười năm nữa thì ghe hàng biến mất hoàn toàn khỏi đồng bằng. Vùng này còn địa thế kênh rạch heo hút, dân cư thưa thớt nên còn ghe hàng tồn tại chứ mấy nơi khác đâu còn" - bà Liên buông lời.
Mang theo cả con thơ lênh đênh sông nước - Ảnh: THÀNH NHƠN
Mang theo cả con thơ lênh đênh sông nước - Ảnh: THÀNH NHƠN

Bơi ngược dòng

Tuy nhiên, cũng lạ là trong dòng người dần bỏ ghe hàng chợ để kiếm nghề khác mưu sinh, thì một số ít lại "bơi ngược dòng". Trên chiếc ghe hàng tròng trành, anh Châu Trường Em (34 tuổi) và chị Đỗ Thị Quý (32 tuổi, cùng ngụ huyện U Minh) tâm sự chỉ mới gia nhập đội ghe hàng chừng vài tháng. 
Anh Trường Em lúc trước chạy xe ôm, còn chị Quý ở nhà chăm con cái, nội trợ. Tình cờ được người chị sang lại chiếc ghe hàng, vợ chồng quyết định xuống sông làm ăn.
Hỏi lý do chọn ghe hàng thay vì mở tiệm tạp hóa trên đất liền, anh Trường Em cười nói: "Nhà chỗ heo hút quá, sợ ế. Sắm cái ghe rong ruổi đi dọc mấy tuyến kênh coi vậy mà có lý hơn. Tại vùng này dân sống theo mé sông hà rầm. Chịu cực chút mà có thêm đồng ra đồng vào, chứ mở tiệm trên lộ coi bộ không êm".
Hai người con, một đứa anh chị gửi lại cho ông bà chăm sóc, đứa theo ghe hàng rong ruổi. Vài tháng nay, vợ chồng bám víu lấy ghe như căn nhà thứ hai của mình. Anh chị san sẻ công việc, thay phiên nhau bán hàng và lo cơm nước trên ghe. 
Hơi cực và sinh hoạt bất tiện, nhưng tiếng cười rổn rảng của con thơ khiến họ cũng vui. "Dân ở đây quanh năm chỉ biết mần lúa, trồng tràm mà giờ cũng lỗ lã quá. Có chiếc ghe này dù sao vợ chồng tui cũng mần ăn qua ngày được, không sợ lông bông thất nghiệp" - chị Quý cười nói.
Hàng hóa trên ghe được anh Trường Em lấy từ những mối uy tín, tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, hết hạn sử dụng rồi bán lại cho bà con. Bởi theo anh Trường Em tâm sự: "Dân ở đây chẳng mấy ai khá giả, lại là chỗ thân tình, nên bán hàng dỏm cho bà con sao đặng. Với lại mần ăn lâu dài, mình gian riết vài bữa không ai thèm mua hàng nữa".
Bạn họ là vợ chồng anh Trần Văn Bình cũng chọn ghe hàng chợ làm kế mưu sinh sau những tháng ngày làm thuê nơi đất khách quê người. Dành dụm tí vốn, anh chị sắm chiếc ghe và chọn gắn bó với mấy tuyến kênh nơi chôn nhau cắt rốn. 
"Dân ở đây dắt díu nhau đi Bình Dương làm công nhân, vợ chồng tui lại trở về. Nghe lạ đời phải không? Nhưng thôi về quê, sống với cái ghe hàng đặng còn lo cho cha mẹ già. Còn chuyện bán đến bao giờ thì sau này hãy tính tiếp" - anh Bình chân chất trải lòng.
Chiều buông trên sông nước U Minh, quê nghèo vắng vẻ thi thoảng lại được đánh động bởi tiếng còi ghe hàng chợ báo cho khách mối mai trên bờ. Dưới tán rừng tràm, bóng ghe hiện ra rồi lại khuất mờ mỗi ngày...
Ghe hàng thành "shipper"
"Gửi con gà này cho chú Chín đầu kênh giúp tui nha", "Đem con cá này cho bà Sáu giúp em"… Những lời gửi gắm thân mật đến chủ ghe hàng của dân quê thân thương và mộc mạc quá đỗi. Chủ ghe bất đắc dĩ trở thành shipper không chuyên. "Dân quê mình hết hà, đâu có phiền gì, sẵn đi ngang rồi đưa đồ giùm luôn" - anh Trần Văn Bình cười hiền chia sẻ.
Ơi, anh xe lôi ơi, cho tui xuống chợ huyện nghen. Anh kiếm chỗ mát đợi chút để chở tui về...
Kỳ tới: Xe lôi ơi!
Theo THÀNH NHƠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.