Qua rồi cái thời khó tìm người giúp việc và phải chiều chuộng osin như... mẹ vợ, lúc nào cũng nơm nớp sợ osin giận 'tôi nghỉ đây, ông bà tự làm đi nhé'. Thời dịch giã, khó khăn, nhiều 'chợ osin 24/24h' tấp nập người mòn mỏi chờ được gọi đi làm.
|
Các cô bác giúp việc ngồi chờ gọi đi làm, trong khi một chị ở Bạc Liêu vừa được gọi quày quả xách túi qua nhà chủ - Ảnh: LÊ VÂN |
Dịch giã, chủ nhà cho nghỉ nhiều lắm. Nhà chị từ đợt hết giãn cách tới giờ ngày nào cũng đông nghịt. Ai ít lời, chịu khó còn đỡ, gặp thời đã khó còn làm eo hay lý lẽ với chủ nhà là lại về đây. Sáng nay nhà chị 26 người lận đó. Mới đi được 4 người... Bà Thảo (giám đốc Trung tâm S.M) |
Một chiều tháng 7, tôi tới Trung tâm giới thiệu người giúp việc S.M trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp. Nhiều đôi dép nhựa nằm chỏng chơ đầy thềm nhà.
Nghẹt thở ngồi... dòm nhau
Bà Thảo, giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm S.M, liên tục nói chuyện điện thoại từ chiếc rổ đựng gần... 20 chiếc điện thoại "cục gạch". Những người giúp việc chờ thông tin ngồi xếp lớp trên ghế nhựa dựa khắp vách tường.
Trên lầu, hàng chục người cũng trải chiếu nằm san sát, thấp thỏm đợi bà Thảo gọi tên.
Tôi vừa bước vào, người phụ việc cho bà Thảo chỉ chiếc ghế trống ở góc nhà bảo: "Ngồi đó chờ đi". Cạnh tôi là khoảng chục cô, dì chừng hơn 40 đến gần... 70 tuổi ngồi hàng dài sát vách tường chờ đợi.
Những ánh mắt dò xét lẫn lạnh lùng liếc về phía tôi. Cô ngồi cạnh tôi hỏi trỏng: "Trẻ vậy cũng làm osin à? Sao không mang balô sẵn, gọi là đi luôn đấy".
Họ nghĩ tôi cũng đến xin việc. Khi tôi đáp lại mình đi tìm người giúp việc thì ngay lập tức chị phụ việc cho bà Thảo thay đổi thái độ: "À, tìm osin hả em, qua đây ngồi nè!". Chị niềm nở chỉ cho tôi ghế sofa ngay giữa nhà.
Không khí "chợ osin" thay đổi hẳn, ai cũng nhìn tôi một cách thân thiện khi biết tôi tìm người giúp việc.
Khi tôi đưa yêu cầu tìm người chăm bé, chị giúp việc cho bà Thảo vui vẻ gọi lớn: "Ai chăm em lại đây?". Ngay lập tức 5-6 cô chừng 40 đến 60 tuổi kéo ghế lại gần để tôi hỏi chuyện.
Trẻ nhất trong số người đợi tôi phỏng vấn là chị Hồng Anh, 38 tuổi, vừa nghỉ việc ở Đồng Nai sau đợt COVID-19 vì chủ nhà là giám đốc một xưởng may phải đóng cửa.
Khi tôi hỏi gia đình chị có bận gì không thì chị niềm nở đáp: "Em... ế. Em chăm em gần chục năm nay rồi, cô yên tâm". Hồng Anh đã chờ việc ở Trung tâm S.M từ sau tháng 4 tới nay, có vài chỗ gọi làm thời vụ nhưng gặp giãn cách xã hội nên lại cho nghỉ.
Ở Trung tâm S.M này còn có cả những cô giúp việc kinh nghiệm trên 20 năm như cô Bé Ba, quê An Giang. Cô mới nghỉ việc vì chủ nhà cho con học mầm non, không cần người chăm. Cô Bé Ba cũng đã đợi việc gần cả tháng.
Bà Thảo khuyến khích tôi nhận cô: "Không chồng con, không vướng bận, em nhé. Mỗi tội không biết chữ, nhưng ít lời, lại thương trẻ...".
|
Người giúp việc giờ từng “chạy sô” vì quá nhiều việc, nay đang thiếu người gọi - Ảnh: MẠNH DŨNG |
"Đã khó thì đừng kén chọn"
Ở "chợ osin" khác trên đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, khi tôi đến xin làm giúp việc thì tình hình đỡ căng thẳng hơn. Ở đây chỉ có hơn 10 người mới vào.
Chị Hương - tên thường dùng để liên hệ với khách - nhìn tôi từ đầu đến chân rồi bảo: "Em may đấy, có chủ ở quận Tân Bình cần người giúp việc gốc Bắc. Lương 7 triệu. Em đồng ý thì chị chụp hình em cho khách xem, ôkê là đi ngay!".
Tôi ngần ngừ hỏi hoàn cảnh nhà chủ thì chị này nói xẵng: "Trời đất ơi, cái đó là riêng tư. Sao chị dám hỏi chủ! Em cứ tới thì biết. Còn nếu không muốn thì vào trong xếp hàng đợi. Đã gặp thời khó thì đừng kén chọn quá".
Chị Hương chỉ tôi vào trong nhà, được ngăn với phòng khách bằng vách gỗ. Bên trong có gần chục chiếc chiếu đơn trải kín phòng có bề ngang chưa tới 1m. Cô bác chờ việc nằm, ngồi đủ tư thế trên chiếu, nhìn tôi dò xét.
Khi tôi vừa ghé xuống ngồi chiếu trống thì một cô ném cái gối xuống bảo: "Có người rồi!". Tôi đang loay hoay thì một cô khác nói giọng Bắc: "Vào ngồi đỡ đi con".
Đúng lúc này, một chị giúp việc khoảng 40 tuổi, quê Bạc Liêu, đứng vội lên khi nghe gọi tên. Chị vừa được nhận vào nhà chủ ở quận 11, đang tranh thủ ngả lưng chờ người tới chở đi.
Trung tâm giúp việc T.Đ trên đường Tô Hiệu này có cách làm việc cũng giống Trung tâm S.M. Hầu hết người giúp việc biết tới trung tâm qua mạng xã hội hoặc truyền tai nhau để tìm tới.
Khi đến trung tâm, các cô được ở miễn phí, tắm rửa, ngủ nghỉ tại trung tâm, chỉ lo ăn ba bữa trong những ngày chờ việc. Bất kể khi nào có khách kêu là đi liền.
Những trung tâm giới thiệu giúp việc này thường được gọi là "chợ osin 24/24" luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào khách gọi. Yêu cầu duy nhất của trung tâm là các cô giúp việc phải có giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu photocopy.
Nhưng ngay cả ai không có giấy tờ tùy thân thì vẫn được xếp vào công việc bán thời gian như chăm bệnh ở các bệnh viện. Chỉ cần họ đừng... kén chọn, có thông tin là sẵn sàng đi ngay.
Chị Trang, khoảng 38 tuổi, mất chứng minh nhân dân, người gốc Sài Gòn, chỉ tôi: "Em không có chứng minh nhân dân thì làm giống chị đi, vô bệnh viện chăm bệnh, ngày 350.000. Làm chừng 10-15 ngày, khi nào chủ về thì mình về. Công việc chủ yếu là cho ăn, lau rửa cho người bệnh. Nhưng lương cao...".
Nhưng ở các "chợ osin" này, không phải cứ có thông tin đi làm là chắc ăn có việc. Một cô giúp việc khác khoảng 60 tuổi, thường được mọi người ở Trung tâm T.Đ gọi là "ngoại", cũng chờ việc ở đây đã gần một tháng. Cô mới nghỉ ở một nhà chủ sau khi làm được nửa tháng vì bị "hành" quá.
"Ngoại" vừa ăn tô phở gói vừa đùa: "Tao mua 8 tờ con 279 mà lộn đài, trúng là về quê dưỡng già rồi".
Hầu hết nhu cầu tìm việc ở các "chợ osin" đều muốn tìm chủ nhà bao ăn ở. Nhiều người vốn làm ở các tỉnh ngoài Bắc hoặc miền Trung cũng dạt vào đây sau đợt COVID-19.
Một cô mới từ Quảng Bình vào, than thở bảo tôi: "Trước cô làm ở Hà Nội, chăm ông bà già 90 tuổi cực lắm mà lương chưa tới 5 triệu. Lại thêm đợt dịch khó khăn nên chủ nhà cau có khó chịu. Cô mới nghỉ vào đây. Sài Gòn dù sao cũng đỡ hơn, lương từ 7 triệu mỗi tháng".
Chưa dứt câu, cô lại thở dài trông ra cửa. Những cô giúp việc thời khó đang ngày ngày ngóng ai đó gật đầu với mình. Hình như xa rồi cái thời chủ nhà luôn sợ osin giận, osin vùng vằng "tôi không làm nữa đâu, ông bà tự mà làm đi nhé"...
"Sao" giúp việc cũng gặp khó | Chị Mai chuyên giúp việc theo giờ nhưng cũng đang gặp khó khăn - Ảnh: LÊ VÂN | Những người giúp việc nhà theo giờ vốn là "sao" trong làng osin tại TP.HCM như chị Mai (quận Tân Phú) cũng đang gặp khó. Thường mỗi tháng chị "chạy sô" làm cho khoảng mươi nhà, thu nhập gần 30 triệu, gồng gánh lo cả gia đình với hai con đang học đại học. Mùa dịch giã đến giờ, chị Mai trầm ngâm: "Nghỉ mất phân nửa nhà, thu nhập chỉ còn hơn 10 triệu. Căng lắm!". |
LÊ VÂN (TTO)