Dẹp loạn "thần y" online tự xưng: Khó xử lý vì "nhờn thuốc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bị kiểm tra, xử phạt rồi ký hẳn cam kết dừng hoạt động nhưng các "thần y", lương y tự xưng vẫn ngang nhiên tái diễn các vi phạm. Tình trạng này đặt ra bài toán nan giải trong việc quản lý hoạt động khám chữa bệnh và chế tài xử các sai phạm của lương y mạo danh.
Bị kiểm tra còn livestream thách thức
Mới đây, Báo Lao Động đã phản ánh về tình trạng tràn lan "thần y", lương y online. Hiện tượng này nở rộ trong thời gian gần đây khi thông qua mạng xã hội, nhiều người ngang nhiên thực hiện hoạt động khám chữa bệnh và tung ra thị trường các sản phẩm không rõ nguồn gốc, mập mờ về chất lượng.
Một ví dụ điển hình là V.Đ.T (sinh năm 1987, xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội) thường xuyên phát video livestream để bắt bệnh online cho người xem. Chỉ cần biết thông tin sơ bộ về tình trạng, dấu hiệu thông thường, V.Đ.T sẽ lập tức phán bệnh và hướng dẫn người xem cắt thuốc. Những sản phẩm mà V.Đ.T đưa cho người bệnh không có bất cứ xác nhận nào của cơ quan chức năng.

Phòng khám không có thiết bị y tế mà chỉ toàn dụng cụ để livestream của lương y tự xưng V.Đ.T. Ảnh: Đình Trường
Phòng khám không có thiết bị y tế mà chỉ toàn dụng cụ để livestream của lương y tự xưng V.Đ.T. Ảnh: Đình Trường
Điều đáng nói, vào năm 2018, V.Đ.T đã từng bị cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu dừng hoạt động khi không có chứng chỉ hành nghề. Thậm chí, theo ông Đỗ Văn Ngọc - Trưởng phòng y tế huyện Thường Tín (Hà Nội), V.Đ.T còn tỏ thái độ thách thức khi livestream cả cuộc kiểm tra của đoàn công tác lên trên mạng xã hội.
Cơ quan chức năng cho biết, "lương y" tự xưng này đã ký cam kết nhưng rồi tình trạng khám bệnh "chui" vẫn tái diễn.
Ghi nhận của PV Lao Động, trên trang fanpage có hơn 70.000 lượt theo dõi, V.Đ.T vẫn liên tục phát các video livestream bắt bệnh cho người dân, "nổ" vẫn khả năng có thể chữa nhiều bệnh, kể cả ung thư của mình. Giữa tháng 3.2021, trong vai người bệnh tới khám, bản thân PV cũng đã bị anh này phán bệnh chỉ sau vài phút sờ nắn và đưa cho bịch thuốc không nhãn mác có mức giá 700 ngàn đồng.
Đến nay, theo đại diện phòng y tế huyện Thường Tín, cơ sở khám bệnh tại nhà riêng của anh V.Đ.T vẫn chưa được cấp phép và mác "lương y" của người này hoàn toàn là tự xưng.
Một trường hợp điển hình khác như ông Nguyễn Bá Nho (ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) quảng cáo thuốc nam của mình có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư. Thầy lang Nho luôn khẳng định chắc nịch rằng: “Thuốc đông y gia truyền có thể chữa khỏi bệnh ung thư, thậm chí có không ít ca di căn, bệnh viện trả về, đã kéo dài sự sống và khoẻ mạnh bình thường".
Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Bá Nho từng có đến 4 lần bị đình chỉ hành nghề bốc thuốc do không có giấy phép kinh doanh.
Ngày 18.3, khi liên hệ tới phòng khám của ông Nguyễn Bá Nho, người dân vẫn được ông lang này hướng dẫn nhiệt tình tới địa chỉ hoạt động mới tại thôn Mao Dộc, Xã Phượng Mao, Huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh. Được biết từ năm 2019, ông lang Nho đã chuyển về cơ sở này.

Ông Nguyễn Bá Nho từng 4 lần bị đình chỉ hành nghề bốc thuốc không có giấy phép. Ảnh: Lệ Hà
Ông Nguyễn Bá Nho từng 4 lần bị đình chỉ hành nghề bốc thuốc không có giấy phép. Ảnh: Lệ Hà
Trước đó, vào tháng 1.2019, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành xử lý vụ việc liên quan đến Phòng khám đông y Nguyễn Thị Hường (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Theo chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Hường không hề đứng tên trên giấy phép hoạt động của phòng khám, chỉ có vai trò giúp việc và không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Với chiêu thức thực hiện video giả mạo các kênh truyền hình, lương y tự xưng Nguyễn Thị Hường đã quảng bá có bài thuốc chữa khỏi các bệnh gút, xương khớp lên mạng xã hội để thu hút sự chú ý của người dân. Thời điểm đó, cơ quan chức năng đã rút giấy phép hoạt động của phòng khám do có hàng loạt sai phạm.
Tuy nhiên, sau đó, bà Nguyễn Thị Hường lại nghĩ ra chiêu trò "lách luật" bằng cách di chuyển những tấm biển hiệu của phòng khám sang nhà bên cạnh và tiếp tục hành vi của mình.

Lương y tự xưng Nguyễn Thị Hường vẫn liên tục đăng tải các video khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Chụp màn hình.
Lương y tự xưng Nguyễn Thị Hường vẫn liên tục đăng tải các video khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Chụp màn hình.
Chiều 18.3, PV liên hệ vào số hotline của phòng khám bà Hường vẫn được tư vấn, hướng dẫn tới khám bệnh tại cơ sở của mình.
"Tôi khám vào sáng chủ nhật tại thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Cứ từ 7h sáng là tôi bắt đầu khám rồi" - phía phòng khám của bà Nguyễn Thị Hường cho biết.
Cần siết chặt quản lý
Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ tình trạng "thần y", lương y tự xưng diễn ra tràn lan thời gian qua bởi chế tài xử lý đối với vấn đề này chưa thực sự đủ mạnh. Hiện nay, với hành vi khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề, cơ sở không có giấy phép hoạt động chủ yếu vẫn chỉ bị xử lý hành chính, phạt tiền.
Đây chính là lý do dẫn tới thực trạng "nhờn thuốc" hay "ngựa quen đường cũ" của các "thần y", lương y mạo danh. Bên cạnh đó, nhiều người sau khi bị xử phạt vẫn lén lút tiếp diễn vi phạm bởi cho rằng tại nhà riêng, ngõ hẻm có thể lẩn khuất được sự truy quét của cơ quan chức năng và dễ dàng che giấu các sai phạm.
Xung quanh tình trạng này, trao đổi với PV Báo Lao Động, Thầy thuốc ưu tú, PGS-TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - bày tỏ quan điểm mạnh mẽ cần phải kiên quyết trừ bỏ hành vi mạo danh lương y để trục lợi.

PGS-TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - khẳng định cần phải loại trừ những hành vi trục lợi từ mạo danh lương y. Ảnh: Minh Phong
PGS-TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - khẳng định cần phải loại trừ những hành vi trục lợi từ mạo danh lương y. Ảnh: Minh Phong
"Dùng thông tin giả để lừa đảo người bệnh là hành vi vô lương tâm, không thể chấp nhận được. Phía Hội đông y Việt Nam cũng nhận được nhiều phản ánh về tình trạng này. Tôi cho rằng, đó là do chế tài xử lý của chúng ta chưa đủ mạnh và sự phối hợp giữa hội đông y ở các địa phương với cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự tốt, chưa triệt tiêu được hiện tượng đó" - PGS-TS Đậu Xuân Cảnh cho hay.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, Thầy thuốc nhân dân Trần Văn Bản - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - khẳng định, muốn có danh xưng lương y thì phải có thi tuyển và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chứ không được tự xưng.
"Phải thi và được cấp giấy chứng nhận mới là lương y. Hơn nữa phải có phạm vi hoạt động trong lĩnh vực cụ thể chứ không phải tất cả. Không phải lương y mà tự xưng tức là mạo danh, là vi phạm pháp luật" - ông Trần Văn Bản nhấn mạnh.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), hành vi khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Còn với cơ sở hành nghề khám chữa bệnh không có giấy phép hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng theo nghị định 176/2013/NĐ-CP.
ĐÌNH TRƯỜNG - LỆ HÀ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

(GLO)- Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”. Đây là dịp để công nhân, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp ngồi lại với nhau trong bầu không khí chia sẻ, ấm áp tình đoàn kết.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

(GLO)- Tối 16-1, tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng” và trao quà Tết của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.