Đê Bơ Tưk nỗ lực thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đê Bơ Tưk (xã Đak Jơ Ta) là một trong những làng đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Vì thế, thời gian qua, huyện và xã đã triển khai các chương trình, đề án để giúp người dân làng Đê Bơ Tưk thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trung tá Trần Văn Hùng (bìa trái)-Trưởng công an xã Đak Jơ Ta tuyên truyền người dân tuân thủ các quy định của pháp luật. Ảnh: Phan Lài
Trung tá Trần Văn Hùng (bìa trái)-Trưởng Công an xã Đak Jơ Ta tuyên truyền người dân tuân thủ các quy định của pháp luật. Ảnh: Phan Lài
Tập trung nguồn lực hỗ trợ 
Ngôi nhà kiên cố của anh Gir nổi bật giữa làng Đê Bơ Tưk. Cách đây vài tháng, gia đình 4 người vẫn phải sống trong căn nhà chật chội chưa đầy 20 m2. Nguyên do là gia đình anh Gir thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất nên không có khả năng xây dựng nhà.
Tháng 9-2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình vay mượn thêm 11 triệu đồng, đoàn viên, thanh niên góp ngày công để xây dựng căn nhà mới rộng 36 m2. Từ ngày có căn nhà mới, anh Gir vui hẳn lên. Vợ chồng chịu khó làm ăn để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Lúc chúng tôi ghé thăm, anh Gir đang dẫn mọi người tham quan ngôi nhà mới. Anh chia sẻ: “Được các cấp hỗ trợ nhà, gia đình mình ai cũng vui. Cơn bão số 9 vừa rồi gây mưa gió lớn, may mắn có căn nhà mới, gia đình mình đều an toàn”.
Tương tự, gia đình ông A Rưng cũng thuộc diện khó khăn nhất làng. Tháng 10-2020, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Mang Yang hỗ trợ gia đình ông A Rưng 3 con hươu sinh sản với tổng trị giá hơn 35 triệu đồng. Sau đó, đơn vị đã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và cắt nhung hươu khi trưởng thành. Cùng với đó, Lữ đoàn Pháo binh 40 (Quân đoàn 3) cùng với đoàn viên, thanh niên trong xã hỗ trợ gia đình làm chuồng trại chăn nuôi gia súc.
Nhận được sinh kế để phát triển kinh tế, ông A Rưng xúc động nói: “Chưa bao giờ mình dám nghĩ sẽ có vật nuôi giá trị như thế này. Mình sẽ chăm sóc chúng thật tốt để phát triển kinh tế gia đình”.
Trong 9 tháng qua, dân làng Đê Bơ Tưk đã được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước và các chính sách an sinh xã hội. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ giống lúa HT1 cho 102 hộ dân. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở 1 lớp dạy nghề sửa chữa xe máy cho 25 học viên trong thời gian 1,5 tháng.
Tỉnh Đoàn và đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh xây dựng 1 căn nhà (trị giá 61 triệu đồng) cho gia đình ông Dũi. Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ 1 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” (trị giá 50 triệu đồng) cho ông A Roch. Cùng với đó, nhiều công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân đã được đầu tư xây dựng.
Người dân làng Đê Bơ Tưk tham gia xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Ảnh: Phan Lài
Người dân làng Đê Bơ Tưk tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Phan Lài
Vượt khó vươn lên
Làng Đê Bơ Tưk có 171 hộ thì có đến 109 hộ nghèo và 33 hộ cận nghèo. “Khó khăn” là cụm từ mà ông Nguyễn Hữu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Đak Jơ Ta chia sẻ với chúng tôi về công tác giảm nghèo của làng. “Khó khăn bởi trình độ dân trí còn thấp, phương thức sản xuất lạc hậu, thiếu liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa thay đổi được nếp nghĩ, cách làm; vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”-ông Nghiệp nhấn mạnh.
Hiện làng Đê Bơ Tưk chỉ mới đạt 6/19 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí đã đạt gồm: thông tin và truyền thông, quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại. Các tiêu chí còn lại được đánh giá là khó thực hiện.
Ông Nông Văn Đạo-Bí thư Chi bộ làng Đê Bơ Tưk-chia sẻ: “Người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng đất đai bạc màu; các ngành tập huấn thường xuyên nhưng nhiều người chưa chịu thay đổi tập quán sản xuất. Bên cạnh đó, tệ nạn rượu chè diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con”.
Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn lực, đầu năm 2020, UBND huyện Mang Yang đã thành lập Tổ công tác phát triển kinh tế-xã hội làng Đê Bơ Tưk do Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thị Lan Anh làm Tổ trưởng. Cùng với đó, UBND huyện triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững làng Đê Bơ Tưk giai đoạn 2020-2021 với mục tiêu: phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo (10%/năm); tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 80-100%; tỷ lệ hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố đạt 70-100%; thu nhập bình quân đầu người đạt 15-18 triệu đồng/năm.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, Tổ công tác và chính quyền xã đã tiến hành rà soát, phân tích nguyên nhân để có hướng giúp đỡ phù hợp. Theo kế hoạch, các đơn vị tiếp tục hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho các hộ gia đình, nhân rộng mô hình sinh kế hiệu quả; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện hiện tại như đưa vào sản xuất cây lúa nước, cây dược liệu dưới tán rừng, cây ăn quả, cây bạch đàn; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân với phương pháp “cầm tay chỉ việc”; đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người dân.    
Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thị Lan Anh cho biết: “Để giảm nghèo trước hết phải thay đổi được nếp nghĩ, cách làm; khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người dân. Tuy nhiên, thay đổi nhận thức là quá trình lâu dài. Vì vậy, các hoạt động nâng cao năng lực và truyền thông phải được thực hiện thường xuyên để tác động đến người dân. Nội dung truyền thông phải nêu rõ vai trò của người dân trong việc giảm nghèo; bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân thì người dân chủ động vươn lên, gia tăng thu nhập. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng tôi hy vọng sẽ giúp dân làng Đê Bơ Tưk từng bước thoát nghèo bền vững”.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hà Duy

Trao gần 130 suất quà Tết cho đoàn viên, người lao động tại Khu Công nghiệp Trà Đa

(GLO)- Chiều 18-1, tại Nhà Văn hóa xã Trà Đa (TP. Pleiku), Công đoàn Khu kinh tế tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tổ chức chương trình “Tết sum vầy-Xuân ơn Đảng” cho gần 130 đoàn viên, người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp Trà Đa nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

(GLO)- Ngày 18-1, tại TP. Pleiku, Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức chương trình “Lan tỏa yêu thương” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức ở khu vực Công viên Kpă Klơng (thị trấn Chư Sê). Ảnh: M.K

Sẵn sàng Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025

(GLO)- Hội chợ hoa xuân không chỉ tạo điều kiện cho các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm mà còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách mỗi khi Tết đến xuân về. Chính vì vậy, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai các phương án nhằm tổ chức Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, vui tươi.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.