Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 60.771 tỷ đồng, tăng 10,14% so với năm 2023. Hoạt động thương mại có chuyển biến tích cực với đa dạng hình thức kinh doanh; áp dụng số hóa trong quản lý, kinh doanh.
Hệ thống phân phối hàng hóa được phân bổ rộng khắp từ khu vực thành thị đến nông thôn đã đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của người dân. Việc kết nối cung cầu được chú trọng triển khai, góp phần duy trì ổn định thị trường hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn.
Đến nay, toàn tỉnh có 96 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã thu hút được 1 dự án xây dựng chợ với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng. Với việc lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã có 7 chợ tại các địa phương được đầu tư xây dựng.
Ông Dương Đình Kiệt-Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển hạ tầng Kbang-cho biết: “Chợ Kbang được xây dựng theo chủ trương xã hội hóa. Với quy mô chợ hạng II, trong giai đoạn 1 Công ty đã đầu tư 12,5 tỷ đồng để thi công các hạng mục thiết yếu. Qua 5 năm đi vào hoạt động, chợ đã đáp ứng được nhu cầu giao thương của các hộ dân trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận.
Hiện chợ có khoảng 200 hộ đang kinh doanh với đa dạng các mặt hàng. Việc bố trí, phân khu đảm bảo quy củ, tạo nhiều thuận lợi cho người dân mua bán. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng-chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được chú trọng”.
Với mục tiêu phát triển mạng lưới chợ nông thôn nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm của địa phương, đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa thiết yếu của người dân, hạ tầng chợ trên địa bàn huyện Đức Cơ cũng được đầu tư, nâng cấp.
Ông Nguyễn Đông Phai-Chủ tịch UBND xã Ia Lang-cho hay: “Chợ xã Ia Lang có khu vực nhà lồng diện tích gần 400 m2, bố trí 22 lô sạp cố định mua bán hàng khô và hàng tươi sống. Chợ được bố trí ven trục đường chính, vị trí trung tâm xã nên việc buôn bán của người dân khá thuận lợi.
Hiện nay, xã đã thành lập Ban Quản lý chợ, xây dựng quy chế hoạt động, đồng thời tiếp tục vận động bà con ở các làng đăng ký vào chợ buôn bán”.
Hiện nay, hạ tầng thương mại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn có sự chênh lệch lớn giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, có cụm xã chưa được đầu tư xây dựng chợ, một số chợ được đầu tư xây dựng nhưng chưa phát huy hiệu quả.
Các loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích đã hình thành nhưng tốc độ phát triển còn chậm. Cơ cấu ngành hàng còn chưa hợp lý, các cơ sở kinh doanh của các tập đoàn, công ty phân phối lớn còn ít, hệ thống bán lẻ hiện đại mới được hình thành bước đầu chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị.
Trên địa bàn tỉnh có 102 chợ, trong đó có 1 chợ hạng I, 13 chợ hạng II, 73 chợ hạng III và 15 chợ tạm. Bên cạnh mạng lưới chợ, toàn tỉnh có 18 siêu thị, 170 cửa hàng tiện lợi, 426 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 208 cửa hàng kinh doanh gas.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Hiện nay, việc kêu gọi đầu tư xây dựng chợ gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, hệ thống chợ chưa được đầu tư đúng mức, các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, hàng hóa chưa dồi dào. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật thương mại, các dịch vụ phụ trợ còn yếu, manh mún, chưa có tác động thúc đẩy thương mại, tạo liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh thương mại. Hệ thống bán lẻ hiện đại mới được hình thành bước đầu nhưng quy mô kinh doanh thương mại còn nhỏ, chưa thay đổi mạnh mẽ hoạt động thương mại.
Trước những yêu cầu mới về phát triển nhanh và bền vững ngành thương mại, phát huy hơn nữa vai trò của thương mại trong việc tạo giá trị tăng thêm đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, Sở Công thương đã đề ra một số giải pháp như: tham mưu phát triển mạng lưới chợ, kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác chợ; tập trung cải tạo, nâng cấp chợ đô thị hiện có và nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, lồng ghép triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn; rà soát, đánh giá việc triển khai tiêu chí số 7 về kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, ưu tiên bố trí, phân bổ vốn đầu tư công phát triển chợ truyền thống, chợ biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo kế hoạch, năm 2025, 100% chợ khu vực thành phố, thị trấn sẽ được chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác; đến năm 2030, có 80% chợ trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi mô hình quản lý và khai thác; hình thành và phát triển các trung tâm thương mại tại khu vực đô thị, tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua hệ thống trung tâm thương mại đến năm 2025 chiếm khoảng 13%, đến năm 2030 chiếm 25-32%.
Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới cơ sở thu mua nông sản, đặc sản trong tỉnh; phát triển hệ thống kho tổng hợp và chuyên dụng, kho lạnh phục vụ bình ổn thị trường và cân đối cung cầu; đầu tư phát triển các loại hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi, xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP, điểm bán hàng Việt Nam.