Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong nhiều năm trở lại đây, thanh toán không dùng tiền mặt đã dần trở thành xu thế đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Qua các số liệu báo cáo cho thấy, tổng giá trị thanh toán số Việt Nam đã gần chạm ngưỡng 100 tỷ USD. Để rút ngắn khoảng cách với thành thị, việc đẩy mạnh thanh toán số ở khu vực nông thôn cũng cần được quan tâm.

Dư địa lớn

Theo Báo Công thương, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính đến tháng 4-2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).

Thanh toán số của Việt Nam có mức tăng trưởng khá cao. Ảnh: Phương Vi
Thanh toán số của Việt Nam có mức tăng trưởng khá cao. Ảnh: Phương Vi

Ngân hàng nhà nước đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Qua đó cho thấy dư địa phát triển và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là rất lớn.

Còn theo VTV, số liệu từ báo cáo của Google, Temasak & Bain Company cho thấy tổng giá trị thanh toán số Việt Nam đã gần chạm ngưỡng 100 tỷ USD. Con số này thể lên tới 143 tỷ USD vào năm 2025. Điều đó thể hiện rằng hạ tầng thanh toán tại Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện và phủ rộng từ các đô thị tới các vùng nông thôn. 

Nhờ những thành tựu và triển vọng tăng trưởng, Việt Nam được tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings tiếp tục duy trì xếp hạng ở mức BB với triển vọng Tích cực. Fitch kỳ vọng tăng trưởng Việt Nam ở mức 7,4% trong năm nay. Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022, nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái.

Đẩy mạnh phát triển khu vực nông thôn

Dù vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về tài chính toàn diện khi chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong thực hiện mục tiêu của tài chính toàn diện như: Mạng lưới điểm cung ứng dịch vụ tài chính phát triển còn chưa đồng đều, cần phải sắp xếp hợp lý và mở rộng độ bao phủ hơn nữa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn. 

Những tiện ích của ví Momo ngày càng phổ biến ở khu vực nông thôn. Ảnh: Phương Vi
Những tiện ích của ví Momo ngày càng phổ biến ở khu vực nông thôn. Ảnh: Phương Vi

Theo Báo Hà Nội Mới, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả nhất định. Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn bằng việc hợp tác giữa ngân hàng thương mại với một số nhà mạng hoặc các đơn vị triển khai ví điện tử nhằm hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.

Mới đây nhất, dịch vụ mobile money thanh toán nhỏ lẻ, tiện lợi được triển khai dành cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ cần có sóng điện thoại. Theo thống kê mới nhất, khách hàng thí điểm sử dụng dịch vụ này là 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23% tổng số tài khoản mobile money.

Về địa điểm phát triển kinh doanh của mobile money, 3 đơn vị được cung cấp thí điểm có hơn 82.200 điểm giao dịch kinh doanh được thiết lập. Về giao dịch, tổng giá trị mobile money khoảng 15 triệu giao dịch với tổng số gần 950 tỷ đồng.

Để vượt qua một số trở ngại trong quá trình triển khai như thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến ở khu vực nông thôn, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng dự thảo các nghị định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Giải pháp tăng cường dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa" cho Báo Điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Hiệp hội Ngân hàng, kiêm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho rằng: Các ngân hàng cũng cần nhiều nỗ lực trong việc triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, chuẩn bị tốt về hạ tầng kỹ thuật để các dịch vụ này thuận tiện hơn với người dùng.

Ông Đinh Quang Dân-Phó Trưởng ban Khách hàng cá nhân Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nhấn mạnh, Agribank cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để khách hàng ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận các tiện ích tốt nhất. Hạ tầng viễn thông ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, xa đã phủ sóng tốt, cộng với thói quen của người dân dần thích ứng với số hóa điện tử sẽ tạo điều kiện để thanh toán không tiền mặt ở những khu vực này phát triển mạnh trong thời gian tới.

PHƯƠNG VI (theo Báo Hà Nội Mới, Công Thương, Chính Phủ, VTV)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.