(GLO)- Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong tỉnh Gia Lai ngày càng đi vào thực chất và lan tỏa sâu rộng, góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại.
Theo ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, trên tinh thần các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ phong trào các cấp được thành lập và kiện toàn. Việc tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở được đẩy mạnh; phong trào được triển khai đến từng tổ chức, hộ gia đình nên đã mang lại hiệu quả thiết thực.
|
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phong trào (đứng) phát biểu xây dựng phong trào. Ảnh: Đinh Yến |
Là đơn vị thành viên của BCĐ, thời gian qua, Tỉnh Đoàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo đức lối sống cho đoàn viên, thanh niên. Chị Hà Thị Giang Thảo-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-cho biết: Tỉnh Đoàn tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Trong năm 2019, tổ chức Đoàn các cấp đã tổ chức 927 hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục-thể thao; 4.615 buổi tọa đàm, đối thoại, nói chuyện truyền thống. “Qua các buổi sinh hoạt truyền thống, đoàn viên, thanh niên ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình để sống, làm việc hiệu quả và có văn hóa hơn”-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn chia sẻ.
Tương tự, bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho hay: Ngành đã thực hiện khá hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo các đối tượng yếu thế, đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội. Để xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác giảm nghèo đa chiều, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, cuộc sống của các gia đình ngày một cải thiện, nếp sống văn hóa gia đình được nâng lên. Về việc thực hiện phong trào trong lực lượng Công an, Thượng tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Thực hiện Thông tư 25 của Bộ Công an về xây dựng “Đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành Điều lệ Công an nhân dân” gắn với thực hiện cuộc vận động và phong trào thi đua khác, lãnh đạo các đơn vị, địa phương luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Năm 2019, toàn ngành có 83% đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa, gương mẫu chấp hành điều lệnh Công an nhân dân”.
Cùng với những kết quả đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn còn hạn chế nhất định. Đơn cử, dù phong trào đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, song đến nay vẫn chưa xây dựng được nhiều mô hình điểm để nhân ra diện rộng. Nhận thức về tầm quan trọng của phong trào ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương và một bộ phận nhân dân còn hạn chế, dẫn đến chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo một số huyện chưa thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn của BCĐ cấp trên. Sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hưởng ứng phong trào; công tác kiểm tra, đôn đốc cơ sở chưa thường xuyên, liên tục.
|
Một tiết mục tại Hội thi tìm hiểu pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở năm 2019 của huyện Chư Sê. Ảnh: internet |
Theo ông Trần Ngọc Nhung, phong trào triển khai nhiều nội dung hoạt động và liên quan đến nhiều ngành, hội, đoàn thể nhưng ở cấp sở trực tiếp làm nhiệm vụ này chỉ có 3 người. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác văn hóa-thể thao cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa chuẩn hóa trình độ chuyên môn; kinh phí thực hiện còn hạn chế. “Những tồn tại nói trên cần được chấn chỉnh và tập trung khắc phục trong thời gian sớm nhất”-ông Nhung khẳng định.
Cũng theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, để tiếp tục nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thì công tác thông tin tuyên truyền cần đa dạng hóa và đi trước một bước. Cùng với đó, BCĐ các cấp tập trung chỉ đạo có chiều sâu các nội dung cơ bản của phong trào, nhất là xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
HÀ TÂY