Đất cằn cho quả ngọt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau gần 3 năm chăm sóc, vườn cây ăn quả rộng 1,5 ha của gia đình chị Dương Thị Thủy (thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah, Gia Lai) đã bắt đầu cho thu hoạch. Dù số tiền thu về chưa đáng là bao song với gia đình chị Thủy, đó vẫn là niềm vui lớn bởi trước đó, khó ai tin mảnh đất khô cằn dưới chân núi này lại có thể cho quả ngọt.
Là kế toán của UBND xã Ia Khươl nhưng chị Thủy luôn ước mơ có một mảnh vườn để tăng gia sản xuất nhằm tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Năm 2017, trong một lần đi thăm họ hàng ở tỉnh Đak Lak, thấy mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao, chị càng bị ước mơ này thôi thúc. Trở về, vợ chồng chị đã mua 1,5 ha đất để trồng cây ăn quả. 
Chị Thủy kể, lúc đầu, thấy vợ chồng chị có ý định trồng cây ăn quả, người thân ra sức can ngăn. Bởi lẽ, mảnh đất mà vợ chồng chị mua không chỉ cằn cỗi mà còn khó khăn về nguồn nước. Không ít người dân trong thôn từng trồng cây ăn quả ở khu vực này và đều thất bại. Thế nhưng, chị vẫn quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ của mình. Để nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, vợ chồng chị phải khăn gói sang Đak Lak học hỏi cả tháng ròng. Cùng với việc học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn, vợ chồng chị còn thường xuyên tìm hiểu thêm qua sách báo, ti vi về đặc điểm của từng loại cây trồng.
  Chị Thủy  (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây quýt đường. Ảnh: L.H
Chị Thủy (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây quýt đường. Ảnh: L.H
Sau khi đã nắm vững kỹ thuật, vợ chồng chị Thủy gom góp toàn bộ số tiền tích cóp được rồi vay mượn thêm của anh em, bạn bè được khoảng 300 triệu đồng để thuê người đào hố, mua giống về trồng 100 gốc cam sành, 1.000 gốc quýt đường, 400 gốc bưởi da xanh và một số loại cây ăn quả khác. Để có nguồn nước tưới cho cây trồng, vợ chồng chị mày mò tìm cách dẫn nước từ trên núi về. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nguồn nước tưới luôn đảm bảo, vườn cây của gia đình chị phát triển rất tốt. Sau gần 3 năm chăm sóc, đến nay, số cam và quýt trong vườn của gia đình chị đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, được khoảng 3 tấn quả. Với giá cam, quýt dao động 15-25 ngàn đồng/kg, vợ chồng chị thu về hơn 60 triệu đồng. Các loại cây trồng như mít Thái, bưởi da xanh cũng đã bắt đầu ra quả, hứa hẹn những vụ mùa bội thu.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình, chị Thủy cho biết: Để các loại cây như cam, quýt, bưởi cho quả mọng nước, vị ngọt đòi hỏi người trồng phải chú trọng kỹ thuật chăm sóc từ khâu vun gốc, tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng thời điểm, đúng liều lượng. Đặc biệt, gia đình tôi chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng, vừa tốt cho đất, vừa hạn chế sâu bệnh hại. Nhờ vậy, vườn cây luôn sai quả, chất lượng sản phẩm bảo đảm, được thương lái ưa chuộng, đến tận vườn để thu mua.
Nhận xét về mô hình cây ăn quả của gia đình chị Thủy, bà Trần Thị Yến Vân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khươl-cho hay: Gia đình chị Thủy là hộ đầu tiên của xã mạnh dạn đưa cây cam, quýt về trồng. Kết quả bước đầu cho thấy, các loại cây này tương đối phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại cây khác. Hiệu quả thực tế từ mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị Thủy đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn xã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để nâng cao thu nhập.
 LÊ HẢI

Có thể bạn quan tâm

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt.