Vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 17-4, UBND tỉnh Đak Lak đã tổ chức chương trình “Cùng góp một tiếng nói để bảo vệ rừng”. Chương trình được tài trợ chính bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu và Ngân hàng Thế giới thông qua Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế tại Đông Dương (BirdLife) và các nhà tài trợ khác bao gồm: Hội Đồng Anh (HĐA), Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã (WAR). Hàng nghìn người dân tại vùng đệm và vùng lõi của rừng Tây Nguyên, lãnh đạo UBND tỉnh Đak Lak và đặc biệt là các nghệ sỹ nổi tiếng gắn bó với Tây Nguyên đã cùng cất lên bản hợp xướng “KHÔNG” để góp tiếng nói bảo vệ rừng.
Bản hợp xướng đặc biệt
Thông điệp “Nói KHÔNG với lâm sản trái phép” đã được vang lên trong bản hợp xướng “KHÔNG”, với hy vọng đây sẽ là Dàn hợp xướng lớn nhất Việt Nam, được ghi nhận bởi Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam. Bản hợp xướng “Không” được viết bởi rất nhiều người ở ba miền Bắc-Trung-Nam, do nhạc sỹ Graham Sutcliffe (người Anh, đang sống tại Hà Nội và nguyên là Nhạc trưởng Dàn nhạc nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam) chỉ huy. Tham gia bản hợp xướng này còn có các nghệ sỹ nổi tiếng như ca sỹ Siu Black, ca sỹ Y-Moan, ca sỹ Lưu Thiên Hương, nghệ sỹ Quyền Linh, Dàn Cồng chiêng Jrai. Nhạc sỹ Graham Sutcliffe tâm sự: “Tôi từng chỉ huy nhiều dàn nhạc giao hưởng, nhưng tôi thấy bản hợp xướng này rất đặc biệt vì nó chỉ có một từ KHÔNG và được cất lên bởi hàng nghìn người dân”. Còn nghệ sỹ Quyền Linh nói rằng, lúc được mời tham gia chương trình, anh không nghĩ có một bản hợp xướng “kỳ lạ” như thế. “Khi tập cùng người dân ở đây, bản hợp xướng này đã làm cho mình nổi da gà và thúc giục mình phải làm điều gì đó cho con cháu mai sau, mà trước hết là cùng góp tiếng nói bảo vệ rừng”.
Nhạc sỹ Graham Sutcliffe cùng nghệ sỹ Siu Black và các sinh viên trường Cao đẳng VHNT Đak Lak tập bản hợp xướng KHÔNG tại Nhà thi đấu Đak Lak. Ảnh: Đức Trung |
Chung tay bảo vệ rừng
Đak Lak nằm ở trung tâm của khu vực Tây Nguyên (với dân số khoảng gần 1,8 triệu người), là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước với 4 khu rừng đặc dụng, trong đó có Vườn Quốc gia Yok Đôn và Chư Yang Shin. 51,44% diện tích tỉnh là rừng tự nhiên với đa dạng sinh học cao và là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm. Trong thời gian qua, tình trạng phá rừng diễn ra rất nóng bỏng, nhất là ở Vườn Quốc gia Yok Đôn. Máu cũng đã đổ trong những cuộc “đụng độ” giữa kiểm lâm và lâm tặc. Nhạc sỹ Graham Sutcliffe cho biết, ông đã sống ở Việt Nam 18 năm và nhận thấy rừng Việt Nam ngày càng suy giảm nghiêm trọng. “Nếu mọi người không chung tay bảo vệ rừng thì con cháu chúng ta sẽ oán hận chúng ta vì để chúng chịu hậu quả của nạn phá rừng. Nước Anh chúng tôi trước đây cũng rất nhiều rừng như Việt Nam, nhưng bây giờ họ phá gần hết rồi. Tôi tham gia Hội Đồng Anh để cùng họ giúp đỡ Việt Nam bảo vệ rừng”, nhạc sỹ Graham Sutcliffe bày tỏ.
Ban đầu, UBND tỉnh Đak Lak dự định tổ chức chương trình này với mục đích bảo vệ Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Nhưng sau đó, nhận thấy được tầm quan trọng của sự kiện này, tỉnh Đak Lak đã nâng tầm thành chiến dịch truyền thông bảo vệ rừng. Đây là một trong những sự kiện đầu tiên trong một chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân và lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của bảo vệ rừng, chống buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, góp phần giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Hợp xướng “KHÔNG” cũng sẽ được ghi lại thành một công cụ truyền thông có tính bền vững để có thể lồng ghép được vào các chiến dịch truyền thông về bảo vệ môi trường trong tương lai.
Đức Trung-Công Hoan