(GLO)- Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã đặc biệt lưu ý đến lĩnh vực thương mại-dịch vụ và du lịch của địa phương. Bên lề Đại hội, phóng viên Báo Gia Lai Điện tử đã trao đổi với các đại biểu xung quanh vấn đề này.
Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đak Đoa lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Đức Thụy |
Ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa:
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, lĩnh vực thương mại-dịch vụ tăng bình quân 16,23%/năm. Hệ thống đại lý, cửa hàng, điểm bán lẻ tương đối đa dạng, phong phú và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 2.625 tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm. Công tác quản lý thị trường, ngăn chặn gian lận thương mại được chú trọng. Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư và quảng bá du lịch trên địa bàn huyện được quan tâm. Dù vậy, huyện vẫn chưa khai thác được các lợi thế về thương mại-dịch vụ. Du lịch chỉ mới khởi đầu, kết quả còn hạn chế.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện xác định cần tổ chức tốt thị trường lưu thông hàng hóa, xây dựng và mở rộng nguồn hàng nông sản xuất khẩu tại chỗ. Cải tạo, nâng cấp các chợ hiện có, xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng siêu thị, chợ đầu mối nông sản và mạng lưới chợ tại trung tâm xã, thị trấn. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, đồng thời làm cơ sở tiếp đón khách du lịch. Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và những bất hợp lý trong việc thu thuế, phí. Khuyến khích phát triển thương mại tư nhân, mở rộng mạng lưới dịch vụ cung ứng vật tư, kỹ thuật và khoa học-công nghệ; dịch vụ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; dịch vụ tài chính, tín dụng; dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vui chơi, giải trí gắn với phát triển du lịch. Tăng cường hỗ trợ các dịch vụ quảng bá thương hiệu sản phẩm địa phương, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng ý thức văn minh thương mại ở khu vực đô thị và nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Trung-Bí thư Đảng ủy thị trấn Đak Đoa:
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Đak Đoa tập trung xây dựng thị trấn Đak Đoa trở thành đô thị loại IV. Đây là niềm vinh dự song cũng là trọng trách rất lớn đối với Đảng bộ và nhân dân thị trấn. Thị trấn Đak Đoa vừa là trung tâm kinh tế-chính trị, văn hóa-xã hội của huyện vừa là đô thị vệ tinh của TP. Pleiku.
Theo đó, thị trấn sẽ tập trung nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và từng bước tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Thúc đẩy phát triển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nhỏ như: xay xát, chế biến lương thực, thực phẩm, rèn nguội… tại các điểm dân cư tập trung ven đô thị. Thu hút các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác tiềm năng về sinh thái cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch của địa phương như: thủy điện thác Ba, công viên Đồi thông, cồng chiêng của làng Piơm…
Bà Kiều Thu Hương-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin:
Để khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của huyện, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các điểm du lịch hiện có như: công viên Đồi thông, khu phức hợp sân golf, du lịch sinh thái hồ Ia Băng, du lịch cộng đồng tại xã Hà Đông và các xã có nghề thủ công truyền thống gắn với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Bahnar, Jrai.
Huyện sẽ khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí. Tiếp tục đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Anh hùng Wừu và các khu du lịch tiềm năng trên địa bàn.
Đak Đoa phấn đấu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện, đảm bảo các điều kiện tốt về môi trường xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn và là điểm kết nối về du lịch giữa TP. Pleiku với các huyện, thị xã phía Đông của tỉnh.
Ông Y Djit-Chủ tịch Hội Nông dân huyện:
Đak Đoa là huyện thuần nông và nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ. Toàn huyện hiện có 220 trang trại, đây là điều kiện thuận lợi để hình thành, phát triển ngành nông nghiệp và dịch vụ trong thời gian tới. Mục đích là đưa công nghệ vào sản xuất; định hướng cho người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn, tạo ra sức cạnh tranh của thị trường trong nước và quốc tế, tạo việc làm cho người dân, giúp họ có trải nghiệm, học tập kinh nghiệm sản xuất.
Để làm được điều đó, thời gian tới, Huyện ủy cần có nghị quyết chuyên đề về phát triển trang trại, nông trại gắn với du lịch, nghỉ dưỡng và sau đó có chính sách cụ thể để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện.
PHƯƠNG LINH (thực hiện)