Đak Đoa phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định kinh tế nông nghiệp là mũi nhọn nên Huyện ủy Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và toàn diện.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Trước đây, người dân trong huyện sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Trước thực tế đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phân công nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; điều tiết, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm để phòng-chống khô hạn; đồng thời, chủ động phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

  Mô hình chuyển đổi diện tích đất lúa thường xuyên bị hạn sang trồng rau màu ở xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Nam
Mô hình chuyển đổi diện tích đất lúa thường xuyên bị hạn sang trồng rau màu ở xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Nam


Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 đã giúp địa phương từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và canh tác bền vững. Điển hình như: chuỗi sản xuất rau củ quả an toàn tại xã Tân Bình liên kết với Công ty TNHH Hương Đất An Phú; chuỗi sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai trên địa bàn 10 xã; chuỗi sản xuất hồ tiêu sạch bền vững, cây ăn quả có múi tại các xã: Kon Gang, Nam Yang, Hải Yang liên kết với Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang...

Để giúp người dân nâng cao năng suất và xây dựng thương hiệu lúa gạo của địa phương, ngành Nông nghiệp huyện đã cung cấp giống lúa mới, chất lượng cao như J02, HN6, ĐT100 triển khai cánh đồng một giống trên diện tích hơn 900 ha trong vụ mùa 2021 tại các xã: Glar, Hnol, Hà Bầu, Ia Pết. Ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh-cho hay: Vụ mùa 2021, HTX phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cấp giống lúa ĐT100 cho người dân để triển khai cánh đồng một giống trên diện tích gần 300 ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo quy trình nên năng suất đạt 7-8 tấn/ha. Đồng thời, HTX thực hiện bao tiêu sản phẩm cho người dân và đang hoàn thiện hồ sơ để huyện đánh giá sản phẩm gạo Glar đủ điều kiện tham gia OCOP cấp tỉnh. “Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với người dân, hình thành vùng chuyên canh lúa nước và xây dựng thương hiệu gạo Glar”-Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh cho biết thêm.

Cùng với đó, để giúp các HTX, doanh nghiệp và người dân từng bước hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm đặc trưng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP, toàn huyện có 19 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (vượt 17 sản phẩm theo kế hoạch tỉnh giao). Trong đó, 4 sản phẩm đạt 4 sao là bộ 3 sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí và sản phẩm bò khô Huy Vũ. Đặc biệt, các sản phẩm này được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Bà Huỳnh Thị Ánh Vy-cán bộ phụ trách Chương trình OCOP (Phòng Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Các sản phẩm OCOP đã được thị trường đón nhận, mang lại giá trị gia tăng cao 20-30% so với trước. Ngoài ra, huyện đã tổ chức phiên chợ nông sản an toàn vào ngày 15 hàng tháng nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, hộ gia đình có sản phẩm được mua bán, giao lưu, xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đây là một trong những điểm mới nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất ra các sản phẩm có giá trị và đặc trưng đến với người tiêu dùng.

“Định hướng của huyện trong phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Quan điểm là không mở rộng diện tích các loại cây trồng mà tập trung cải tạo giống, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Cùng với đó, tập trung thâm canh, đa canh, tái canh các loại cây trồng, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Tăng cường liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tập trung theo hướng gia trại, trang trại và hình thành các nông hội chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm”-ông Nguyễn Kim Anh thông tin thêm.

 

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.