Đak Đoa: Nhộn nhịp chợ phiên nông sản an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng chợ phiên nông sản an toàn huyện Đak Đoa, Gia Lai đã thu hút hơn 500 lượt khách tham quan, mua sắm với doanh thu hơn 100 triệu đồng.



Quảng bá nông sản đặc trưng

Chợ phiên nông sản an toàn được tổ chức tại sân Nhà Văn hóa huyện vào sáng 15-12 với 20 gian hàng của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm như: cam Năm Đô, cà phê, hồ tiêu, mắc ca, sachi, chuối khô, rau củ quả, khoai lang Lệ Cần, dược liệu, gạo, rượu cần, thịt bò khô, cá thác lác... Đây đều là sản phẩm đặc trưng do nông dân trên địa bàn huyện sản xuất và được cơ quan quản lý chứng nhận sản phẩm an toàn.

Thu hút khá đông khách hàng tham quan, mua sắm là gian hàng của HTX Nông nghiệp và Kinh doanh dịch vụ Kon Gang và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hneng với các sản sản phẩm dược liệu gồm: cà gai leo (hòa tan, túi lọc, cao), cây nhàu (khô, bột, viên, cốm), nước cốt noni từ cây nhàu, rượu sâm. Bà Phan Thị Điệp-Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hneng-chia sẻ: Cà gai leo hỗ trợ điều trị viêm gan A, B, C, men gan cao cho hiệu quả sau 1 tháng sử dụng; cây nhàu hỗ trợ điều trị bệnh khớp, gout, giúp giảm loãng xương. Hiện tại, 2 HTX đang liên kết với nông dân để trồng cây dược liệu theo đúng quy trình sản phẩm an toàn. “Chúng tôi tự tin liên kết với các thành viên của HTX vì hiện tại các sản phẩm trên đã được một số đơn vị như Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Thăng Long và Công ty TNHH KBK Trade (Hàn Quốc) ký kết bao tiêu”-bà Điệp cho biết thêm.

 Đông đảo người dân tới tham quan mua sắm tại chợ phiên nông sản an toàn huyện Đak Đoa. Ảnh: Đ.Y
Đông đảo người dân tới tham quan mua sắm tại chợ phiên nông sản an toàn huyện Đak Đoa. Ảnh: Đ.Y



Tham gia gian hàng tại phiên chợ, chị Mai Thị Nhung-chủ cơ sở sản xuất Nữ Hoàng Macadamia Tây Nguyên (thôn 1, xã Hải Yang) cho biết: “Tôi đã mạnh dạn đầu tư mua máy sấy hạt sachi, ép dầu, lọc dầu sachi và máy sấy, tách vỏ mắc ca, máy hút chân không đóng bao bì, nhãn mác để chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau xuất bán trên phạm vi toàn quốc. Tham gia chợ phiên hôm nay, tôi rất vui vì 50 kg mắc ca, 100 chai dầu sachi, 50 cây son dưỡng môi, 50 kg măng le khô đều bán hết trong buổi sáng. Nhiều người còn xin số điện thoại để liên hệ đặt mua”.

Sẽ tổ chức định kỳ vào ngày 15 hàng tháng

Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại chợ phiên lần này đều là nông sản, thực phẩm an toàn do nông dân làm ra nên thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm. Sau khi nếm thử sản phẩm thịt bò khô Huy Vũ, chị Nguyễn Thị Lan Chi (tổ 3, thị trấn Đak Đoa) quyết định mua 2 kg gửi về quê làm quà trong dịp Tết. Bên cạnh gian hàng bò khô của Công ty TNHH Huy Vũ là gian hàng của xã Hà Bầu trưng bày nhiều sản phẩm truyền thống như: gạo, đậu đen, mật ong rừng... cũng được nhiều khách hàng lựa chọn. Mua 10 kg gạo tại gian hàng này với giá 15 ngàn đồng/kg, bà Mai Thị Uyển (làng Ngol, thị trấn Đak Đoa) cho biết: “Đây là gạo lúa rẫy, trồng 6 tháng mới cho thu hoạch. Tôi rất thích loại gạo này vì nấu cơm ăn ngon, dẻo, thơm, giá cũng phù hợp”. Từ Quảng Nam lên dự đám cưới cháu ở thị trấn Đak Đoa, ông Vũ Thành Chương cũng tranh thủ dạo một vòng quanh phiên chợ rồi chọn mua 10 kg măng le mang về làm quà và để dành chế biến món ăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Huyện tổ chức chợ phiên nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất có các sản phẩm nông sản an toàn đạt chứng nhận VietGap, OCOP có cơ hội quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Chợ phiên còn giúp người tiêu dùng có cơ hội mua sắm các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe. Qua 1 ngày tổ chức, chợ phiên đã thành công trên cả mong đợi với hơn 500 lượt khách tham quan, mua sắm; doanh thu từ 20 gian hàng đạt hơn 100 triệu đồng.

“Từ nay về sau, đều đặn vào ngày 15 hàng tháng, huyện sẽ tổ chức chợ phiên nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn đến với người tiêu dùng. Qua đó, nâng cao giá trị, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả bảo quản, chế biến sau thu hoạch cũng như trình độ sản xuất cho nông dân”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết thêm.

ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Nhiều biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh online

Gia Lai: Nhiều biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh online

(GLO)- Theo Luật số 56/2024/QH15 ngày 29-11-2024 của Quốc hội, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế (gọi tắt là Luật Quản lý Thuế sửa đổi, bổ sung), kể từ 1-4-2025, tất cả các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm khấu trừ thuế của người kinh doanh trên sàn.

Pleiku: Hội thảo lần thứ nhất Lịch sử Đảng bộ phường Trà Bá (1975-2023)

Pleiku: Hội thảo lần thứ nhất Lịch sử Đảng bộ phường Trà Bá (1975-2023)

(GLO)- Hội đồng Chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử của Đảng bộ TP. Pleiku vừa tổ chức hội thảo lần thứ nhất để thảo luận góp ý đề cương chi tiết Lịch sử Đảng bộ phường Trà Bá (1975-2023) vào chiều 12-2. Ông Võ Phúc Ánh-Phó Bí thư thường trực Thành ủy Pleiku chủ trì hội thảo.

Nghề nấu đường thủ công ở An Khê

Nghề nấu đường thủ công ở An Khê

(GLO)- Cách đây vài chục năm, bà con nông dân ở An Khê không bán mía cây như bây giờ mà tự thu hoạch mía, ép lấy nước, nấu lên thành đường thô, rồi mới bán sản phẩm này cho các cơ sở ly tâm đường. Các cơ sở ly tâm đường tiến hành tinh luyện đường thô thành đường vàng để xuất đi các tỉnh khác.

Huyện Đak Đoa tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Ảnh: Hà Duy

Đak Đoa: Lấy ý kiến lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030

(GLO)- Ủy ban nhân dân huyện Đak Đoa vừa có thông báo số 5/TB-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Đak Đoa.

Hội xuân ở xã Tơ Tung. Ảnh: Ngọc Minh

Hội Xuân ở xã Tơ Tung

(GLO)- Hội Xuân văn hóa-thể thao các dân tộc mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 và liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ IV do UBND xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tổ chức ngày 7-2 thu hút nhiều người dân và du khách tham gia.