Đak Đoa đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, Huyện ủy Đak Đoa đã tập trung chỉ đạo triển khai chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương nên Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Đoa đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo đó, huyện từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến canh tác bền vững; hỗ trợ nông dân triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn. Nhờ đó, năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa ngày được nâng lên; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: vùng sản xuất rau, củ tại xã Tân Bình, Glar; vùng trồng cây cà phê, hồ tiêu tại các xã: Nam Yang, Kdang, Glar, Ia Băng; trồng cây ăn quả có múi tại xã Kon Gang… Cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/năm.

 Cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa trực tiếp hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê ngay tại vườn. Ảnh: Quang Tấn
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê ngay tại vườn (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Quang Tấn


Từ khi tham gia liên kết sản xuất cà phê với Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (xã Glar), nhận thức, tư duy sản xuất của nhiều hộ dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn đã thay đổi nhanh chóng. Đặc biệt, khi tham gia chuỗi liên kết, bà con được Hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên không còn nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Anh Xuân (làng Groi Wết, xã Glar) phấn khởi cho biết: “Trước đây, do chưa nắm được kỹ thuật canh tác nên năng suất đạt thấp. Kể từ khi tham gia Hợp tác xã (năm 2019), canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất vườn cà phê tăng dần qua các năm. Niên vụ 2020-2021, tôi thu gần 6 tấn cà phê nhân, tăng gần gấp đôi so với trước đây”.

Trong chăn nuôi, huyện cũng đã tích cực thực hiện chương trình lai cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và mua bò đực giống về thay thế bò địa phương. Hiện tỷ lệ bò lai đạt 49%, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các hộ dân phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại cũng như thành lập các nông hội chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như nông hội chăn nuôi dê, thỏ...

Theo anh Trương Công Quân-Chủ nhiệm Nông hội chăn nuôi thỏ Nam Yang, sau 2 năm thành lập, thu nhập của các thành viên được nâng cao. Khi tham gia Nông hội, các thành viên thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm cũng như tìm ra nhiều phương pháp chăn nuôi hiệu quả. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên, từng bước xây dựng thương hiệu thịt thỏ Nam Yang cũng như tạo chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận. Bình quân mỗi tháng, Nông hội xuất bán ra thị trường từ 5 tạ đến 1 tấn thỏ thương phẩm. “Hiện nay, ngoài bán thỏ thương phẩm, Nông hội còn chế biến các sản phẩm: thỏ móc hàm nguyên con, thỏ hun khói, thỏ khô… với giá bán 160-450 ngàn đồng/kg. Bên cạnh sản xuất an toàn, Nông hội đang đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung theo quy trình chế biến hiện đại, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP”-anh Quân cho biết thêm.

 Mỗi năm, gia đình anh Trương Công Quân (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) thu hơn 80 triệu đồng từ trại thỏ. Ảnh: Quang Tấn
Mỗi năm, gia đình anh Trương Công Quân (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) thu hơn 80 triệu đồng từ trại thỏ. Ảnh: Quang Tấn


Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-thông tin: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai nhiều mô hình, dự án giúp người dân phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Cuối năm 2019, UBND huyện đã phân bổ khoảng 4,2 tỷ đồng để thực hiện 6 dự án liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu, rau các loại, cây ăn quả có múi… theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, vụ mùa 2021, huyện đã bố trí 3,5 tỷ đồng để triển khai cánh đồng lúa một giống chất lượng cao. Quy mô dự án là 920 ha với 2.390 hộ dân trên địa bàn 4 xã (Ia Pết, Hà Bầu, Glar và Hnol) tham gia.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực. Đồng thời, cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân, phát triển các nhóm nông dân hợp tác, tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tăng tỷ trọng chế biến sâu nhằm giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Thực hiện liên kết giữa 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp gắn kết lợi ích, trách nhiệm giữa các bên”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho hay.

 

 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.